- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng, đại biếu chất vấn trách nhiệm quản lý
- Thị trường trái phiếu đóng băng, doanh nghiệp bất động sản phải trả nợ 82.000 tỷ đồng
- CEO VPBank: Khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đang dần được tháo gỡ
- Động lực khôi phục niềm tin cho thị trường trái phiếu
Phát hành mới sụt giảm gần 70%
Nếu những năm trước, cảnh báo nhà đầu tư đừng lao vào trái phiếu “rác” là chủ điểm của báo chí, thì năm nay, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường là vấn đề tâm điểm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 5/3/2023, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp đàm phán thành công để giãn nợ trái phiếu.
“Nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Như vậy, với những quy định mới của Chính phủ, kết quả đạt được bước đầu rất tích cực. Thời gian tới, thị trường kỳ vọng có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững”, Thứ trưởng nhận định.
Mặc dù vậy, lượng phát hành trái phiếu mới vẫn rất hạn chế, niềm tin với nhà đầu tư chưa quay trở lại cho thấy, đưa thị trường trái phiếu phục hồi không thể ngày một ngày hai. Diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn một năm qua đem đến nhiều bài học cho cả báo chí lẫn cơ quan quản lý.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu, 5 tháng đầu năm 2023, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (đại chúng và riêng lẻ) chỉ đạt hơn 34.000 tỷ đồng, sụt giảm gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng vừa qua, mỗi tháng chỉ có 1-2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công.
Cùng với sự đóng băng trái phiếu phát hành mới, số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn cũng như mất khả năng thanh toán ngày càng tăng lên. Trong tháng 5/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại gần 22.800 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022. 7 tháng cuối năm 2023, có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó hơn một nửa là trái phiếu bất động sản.
Tính tới ngày 31/5/2023, có 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu, thanh toán mua lại trước hạn và 19 doanh nghiệp công bố đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trong tháng 5.
Danh sách doanh nghiệp nợ trái phiếu ngày càng dài, lượng trái chủ mất ăn mất ngủ ngày càng lớn. Nhiều giọt nước mắt đã rơi và niềm tin vì thế cũng vơi dần trên thị trường trái phiếu.
Báo chí và thị trường trái phiếu
Trước khi khủng hoảng Tân Hoàng Minh diễn ra, báo chí đã phát đi nhiều tiếng nói cảnh báo về nguy cơ của thị trường này, thúc giục các cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch công bố thông tin. Đầu năm 2021, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng, nhà nhà đua nhau mua trái phiếu để đầu tư dù nhiều người không hiểu đó là gì. Thời điểm đó, Báo Đầu tư đã có loạt bài 3 kỳ: Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện để cảnh báo.
Sau khi khủng hoảng Tân Hoàng Minh diễn ra, báo chí tiếp tục cảnh báo cơ quan chức năng ứng xử thận trọng với thị trường trái phiếu, tránh dẫn tới sự gãy đổ thị trường. Năm 2022, với loạt bài 5 kỳ: Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu ngay thời điểm “bom nợ” Tân Hoàng Minh vừa nổ ra, Báo Đầu tư đã cảnh báo sớm về nguy cơ vỡ nợ chéo “domino” sẽ xảy ra, nếu chính sách thay đổi theo hướng phanh gấp.
Thực tế sau đó diễn ra đúng như những gì mà loạt bài đã cảnh báo: hàng loạt doanh nghiệp phát hành mất khả năng trả nợ, phải đàm phán với nhà đầu tư phương án hoán đổi tài sản hoặc gia hạn khoản nợ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng; thanh khoản cả nền kinh tế bị nghẽn; thị trường bất động sản trầm lắng; nhiều doanh nghiệp phải vay nóng với lãi cao cắt cổ để cầm cự…
Không chỉ cảnh báo về những rủi ro trên thị trường, báo chí kinh tế thời gian qua luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, phản ánh kịp thời tới cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc, giúp thị trường phục hồi, phát triển. Bám sát nhịp đập thị trường, báo chí đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, thúc giục cơ quan quản lý sửa đổi các chính sách phù hợp với thị trường hơn. Việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP được sửa đổi nhanh chóng ngay sau khi vừa ban hành cho thấy sự vào cuộc tích cực của báo chí cũng như sự thiện chí của cơ quan quản lý.
Thị trường trái phiếu Việt Nam còn non trẻ, mới qua giai đoạn nổi loạn ban đầu và đang ở giai đoạn bước ngoặt để hướng tới một giai đoạn trưởng thành, lành mạnh hơn. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thừa nhận, thị trường rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành, các chủ thể tham gia thị trường cũng còn non trẻ, kể cả các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Cũng như vậy, với nhiều nhà báo trẻ, trái phiếu doanh nghiệp đôi khi vẫn là câu chuyện còn lạ lẫm. Trong giai đoạn này, báo chí phải đồng hành để chung tay với cơ quan quản lý và các thành viên thị trường trái phiếu lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả. Muốn vậy, bản thân mỗi nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để có thể song hành cùng thị trường, góp phần giúp thị trường phục hồi, phát triển.