Cuộc họp báo đêm 6/3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của TP. Hà Nội. Ảnh: Đức Khánh |
Chung sức làm nên “điều thần kỳ”
Các cơ quan truyền thông, báo chí của nước ta đã có đóng góp to lớn, trực tiếp và nhiều mặt, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá như vậy tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 tổ chức tại Hà Nội ngày 16/6.
Thủ tướng nêu rõ, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Đó là món quà quý giá, thiết thực kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020).
Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng khẳng định Việt Nam đã và đang làm hết sức để phòng, kiểm soát Covid-19. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí cả nước đã đăng tải 560.000 tin, bài về dịch bệnh này từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5/2020.
Đặc biệt, cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhất là tại các đô thị lớn, nhưng lại đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch. Nhờ đó, Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân thấp nhất và chi phí phòng chống dịch cũng thấp nhất. “Điều thần kỳ” và cũng là may mắn là không có ca tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam.
Đối với việc thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
“Chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan là trả giá khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện chưa có vắc-xin. Chúng ta nói về việc chuẩn bị mở cửa, nhưng mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào, kiểm soát làm sao để không lây nhiễm ra cộng đồng từ khách du lịch”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch.
Truyền thông, thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chung tay nỗ lực giải quyết khó khăn, đề xuất kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời chú trọng phát triển thị trường trong nước với sức tiêu dùng gần 100 triệu dân.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam gần đây, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những năm qua, báo chí đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền các giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè năm châu, bốn biển.
Các nhà báo luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng “vào sinh, ra tử” trong “mưa bom, bão đạn” của chiến tranh hoặc đối mặt với những “hiểm nguy”, kịp thời có mặt tại những “điểm nóng”, “ổ dịch bệnh nguy hiểm” để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được ‘dòng chảy chính’ của xã hội, của đất nước, phải ‘phò chính, diệt tà’. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.
Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.