Cổ động tinh thần kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn với doanh nghiệp luôn là trọng tâm trong các hoạt động trên mặt báo, sau mặt báo của Báo Đầu tư. Trong ảnh: Lễ Vinh danh các dự án dẫn đầu xu thế do độc giả Báo Đầu tư bình chọn năm 2019. Ảnh: Đức Thanh |
Đằng sau một kịch bản bị thay thế
“Tôi sẽ thay đổi một chút kịch bản buổi tọa đàm này”, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, người đảm nhận vị trí điều phối “Diễn đàn Doanh nhân trẻ - Tư duy đột phá và phát triển bền vững” nói khi ổn định chỗ ngồi.
Bên cạnh ông là các doanh nhân nổi tiếng, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Tập đoàn PNJ, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.
“Tôi đang cầm tờ Đầu tư trên tay. Họ viết về chúng ta, hay nói đúng là đặt câu hỏi cho doanh nhân. Tại sao các đại gia Việt không ngồi được với nhau? Chúng ta, chứ không phải ai khác, phải nói về điều này?”, ông Vương đặt câu hỏi.
Ở phía dưới sân khấu là thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. Có thể coi họ là những doanh nhân tiêu biểu nhất của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, tính từ năm 1999 đến nay, điển hình như ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát; ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bita’s; ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam..
Khi thành lập Câu lạc bộ vào năm 2003, các doanh nhân Sao Đỏ đã tự nhận trách nhiệm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm gây dựng và phát triển doanh nghiệp hay hiện giờ là kêu gọi doanh nghiệp chuyển đổi số...
Nhưng, ông Vương nói, câu hỏi của Báo Đầu tư đã chạm vào những điều thực sự khó chia sẻ, nằm sâu trong mỗi người kinh doanh. Bà Dung thừa nhận, doanh nghiệp Việt từng không thể ngồi với nhau vì thiếu lòng tin, thiếu sự minh bạch. Ông Tiền thì cảm thấy buồn khi mỗi lần đi ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt cứ rời rạc, mạnh ai nấy đi…
Đây không phải là câu chuyện mới và cũng không phải lần đầu được bàn tới.
“Vấn đề của doanh nhân Việt là xây dựng văn hóa hợp tác, làm ăn chuyên nghiệp thì mới có thể làm lớn được, mới nhận được các công trình lớn. Ví dụ trong dự án đường bộ Bắc -Nam, nếu hợp tác tốt, chọn được doanh nghiệp đại diện, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tham gia được. Chúng ta phải liên kết, hợp tác và chia sẻ cả cơ hội, chứ không thể mãi đối đầu”, ông Tiền nói.
Ngòi bút không vô tình
Phải thẳng thắn, khi các doanh nhân lớn cùng nghĩ đến giải pháp phát triển, thì sự hợp tác sẽ không chỉ tạo ra dự án, ra tiền, mà còn hơn thế, đó là thúc đẩy sự phát triển của một ngành kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên.
Vì để ngồi được với nhau, doanh nhân, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các cơ chế hợp tác, chuẩn mực, nguyên tắc đúng thông lệ quốc tế, theo quy luật của thị trường. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, sẽ phải có những thay đổi về cơ chế chính sách, về quy định pháp lý… để hậu thuẫn cho điều này.
Ông Phạm Đình Đoàn đã nói, mối liên kết này chỉ sản sinh trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, công khai, minh bạch. “Nếu môi trường kinh doanh nhiều rào cản, nhiều cửa, nhiều ngách, doanh nghiệp lo đi gỡ, đi tránh đã hết thời gian, khó nghĩ đến kế hoạch dài hạn, chứ chưa nói đến trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển của đất nước”, ông Đoàn nói.
Ông Đoàn nói điều này trong Tọa đàm trên, nhưng đã phải nhắc lại trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, khi góp ý cho những điều khoản mới trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi ngay trước thềm kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV, dự kiến sẽ bàn và thông qua Dự luật này.
Cùng có mặt với ông Đoàn, có các hiệp hội doanh nghiệp. Họ đại diện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gửi kiến nghị mà những người ngồi chủ tọa là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội... gần như đã nắm rõ ai sẽ nói gì, kiến nghị gì.
“Chúng tôi phải nói và mong báo chí truyền tải thực tế. Chúng tôi đã kiến nghị gỡ các giới hạn về giờ làm thêm, về tiền làm thêm giờ... nhiều năm, giờ vẫn đeo đuổi, vì nếu không sửa, doanh nghiệp sẽ khó khăn, sẽ thiếu đơn hàng, việc làm sẽ thiếu, sẽ không có tiền nộp ngân sách. Chúng tôi muốn hỏi, nền kinh tế nhận được gì, chứ không lên tiếng để đối đầu với người lao động. Các cơ quan quản lý, các nhà lập pháp đừng nghĩ rằng, đang có cuộc đấu tranh giữa giới chủ và thợ như gần trăm năm trước...”, ông Đoàn nói.
Sau cuộc đối thoại, nhiều ấm ức của doanh nghiệp vẫn còn. Nhất là khi họ thấy có quan điểm cân đo số điều khoản có lợi cho người lao động và có lợi cho người chủ sử dụng lao động, để cho rằng, nên chấp nhận Dự thảo ở mức hài hòa…
Không nhiều bài báo phản ánh cuộc đối thoại trên đề cập đến những ấm ức này. Những bài viết đòi quyền lợi cho người lao động, nhưng không đặt trong mối quan hệ với doanh nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, năng suất lao động còn thấp… cũng khá nhiều.
Còn báo Đầu tư thì đăng tải loạt bài với lời tít “Đừng xô đẩy doanh nghiệp thêm nữa”. Có thể có người cảm thấy không hài lòng. Cũng như nhiều lần trước, với các bài viết đặt câu hỏi cho các bộ, ngành về sự níu kéo, thậm chí là sự lập lờ, thiếu trách nhiệm trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, có nhiều người không vui…
Nhưng, nền kinh tế Việt Nam chỉ thực sự chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, chấm dứt giai đoạn chuyển đổi khi môi trường kinh doanh, môi trường chính sách được xây dựng trên tư duy thị trường hiện đại, tuân thủ các quy luật của thị trường và xu thế phát triển. Công cuộc cải cách này sẽ nhanh hơn khi báo chí sẵn sàng đi cùng…
Muốn nhìn thấy tư duy thị trường đậm nét hơn trên báo chí.
- Ông Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Báo chí nói chung, Báo Đầu tư nói riêng là nơi mà người kỳ vọng tìm kiếm thông tin công khai, minh bạch. Để làm được, các báo phải có chính kiến rõ ràng, đừng bị thiên kiến chi phối. Tôi muốn nhìn thấy tư duy thị trường đậm nét hơn nữa trên báo chí.
Chỉ khi có tư duy thị trường, lập trường thị trường rõ ràng, mới giải quyết được các vấn đề, những khúc mắc của thị trường theo hướng ủng hộ sự phát triển, không làm méo mó thị trường. Có như vậy, mới cổ động được tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp…
Báo chí phải dũng cảm để thúc đẩy cải cách, có thể phải làm ai đó khó chịu.
- Ông Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Có 2 điều chờ đợi ở báo chí vào thời điểm này. Một là, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường. Hai là, báo chí phải đặt câu hỏi làm gì, làm thế nào và đặc biệt nhấn mạnh đến tìm kiếm tư duy, giải pháp thúc đẩy cải cách, chuyển mạnh nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường và làm cho Nhà nước này trở nên hiệu lực hơn.
Việc này không dễ vì thúc đẩy cải cách rất khó, phải đi sâu, chạm tới tư duy, thúc đẩy thay đổi tư duy trong từng con người. Đặc biệt, báo chí đừng coi mạng xã hội là đối thủ, phải coi đó là một công cụ truyền tải thông tin….
Nếu không thấy sự hấp dẫn đến từ chiều sâu thông tin, chúng tôi sẽ không click thêm lần nữa.
- Ông Lâm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM (YBA TP.HCM)
Hai kỳ vọng lớn nhất mà tôi - trong vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng như Tổng giám đốc Công ty nệm Mousse Liên Á, với báo chí là tốc độ, tính chính xác của thông tin và cầu nối của doanh nghiệp đến chính quyền. Một phần nào đó tôi đã tìm thấy ở báo Đầu tư.
Nhưng, chúng tôi cần nhiều các bài viết sâu sắc hơn bài viết câu view. Thời gian rất quý, nếu chúng tôi không thấy sự hấp dẫn đến từ chiều sâu thông tin chúng tôi sẽ không click thêm lần nữa...
Mỗi bài báo phải là tiếng nói, hơi thở, nhịp sống của doanh nghiệp.
- Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
Doanh nghiệp quan tâm thông tin về chính sách, tình hình kinh tế vĩ mô, nhưng quan tâm hơn vào các vụ việc cụ thể, tính thực tiễn của một vấn đề. Mỗi bài viết phải là tiếng nói, hơi thở, nhịp sống, chuyển động của từng doanh nghiệp, chứ không chỉ là bài viết tường thuật không có chính kiến. Tôi đánh giá cao Báo Đầu tư trong việc đi sát, đồng hành, thấu hiểu doanh nghiệp. HUBA rất cần đối tác như vậy.