Doanh nghiệp
Bảo đảm lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam
Thế Hải - 01/04/2020 15:09
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo lương thực dư dả cho 100 triệu dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào tối 31/3 về tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu lớn nhất là phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho gần 100 triệu người dân Việt Nam trong bối cảnh khó lường của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.

Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh thao túng giá và đảm bảo quyền lợi cho người nông dân trồng lúa.

Mong muốn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại, nhưng các doanh nghiệp đều đồng tình cao với quan điểm đặt an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu và sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5/4/2020, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực trong bối cảnh thời tiết, khí hậu, dịch Covid-19.

Đánh giá lượng thóc gạo tồn trong dân và trong doanh nghiệp khá lớn, riêng tồn kho của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 1,65 triệu tấn; các tỉnh thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc thêm về giải pháp, theo hướng vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia nhưng vừa giảm thiểu gián đoạn cho chuỗi sản xuất lúa gạo (bao gồm không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mà còn nông dân, ngân hàng và các dịch vụ phụ trợ như cảng, vận tải, bốc xếp, kho bãi).

 

Báo cáo của Sở Công Thương TP.Cần Thơ, dư nợ cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của các ngân hàng tại địa phương này lên tới 7.700 tỷ đồng.

"Nếu không có thu nhập từ tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân, người nông dân sẽ không có tiền mua giống, vật tư để khởi động mùa vụ tiếp theo và đây cũng là nguy cơ cho an ninh lương thực quốc gia", đại diện các DN khẳng định.

Theo tinh thần của Công văn 2237/BCT-XNK về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn gửi Thủ tướng Chính phủ, qua làm việc với các địa phương sản xuất lúa gạo lớn và các doanh nghiệp xuất khẩu chủ chốt, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đều khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có biện pháp hợp lý để duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt, đảm bảo mục tiêu “kép” là chiến thắng dịch bệnh, duy trì sản xuất để tăng trưởng kinh tế. 

Căn cứ kết quả rà soát, ý kiến của các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì cho biết, quan điểm của Phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới phải công khai, minh bạch, công bằng; dễ thực hiện, dễ giám sát, không sử dụng cơ chế xin cho, không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm.

Công tác điều hành xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2020 thực tế đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Kết quả xuất khẩu tích cực đã góp phần duy trì giá lúa gạo tại ĐBSCL ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân.

Xuất khẩu gạo được thực hiện gần như toàn bộ theo hình thức chính ngạch bởi hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiêu ngạch) trên thực tế đã dừng từ sau Tết Nguyên đán tới nay.

Số liệu của VFA, lượng gạo xuất khẩu gần ba tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá 652 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 7,8% về trị giá cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu lúa gạo vẫn đang được kiểm soát tốt.

Tin liên quan
Tin khác