Thời sự
Báo Đầu tư: Cầu nối trung thực, khách quan, sống động
Thanh Hương - 27/09/2022 09:17
Bên cạnh cách thể hiện truyền thống, trong xu thế số hóa và kết nối thông minh, Báo Đầu tư có thêm nhiều hình thức kết nối hiện đại, truyền tải thông tin tới độc giả trung thực, khách quan.
Talkshow “Đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022” do Báo Đầu tư tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường

Hút độc giả vào trực tuyến

Năm 2019, trong loạt bài “Lỗ hổng an ninh năng lượng” đăng trên Báo Đầu tư, tôi có viết rằng, trong 3 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng, gồm điện - than - dầu khí, suy giảm đã tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của nước ta.

Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, để thoát “bẫy thu nhập trung bình”, thì an ninh năng lượng phải là trụ cột trong chính sách phát triển, chứ không thể là “gót chân Asin” của nền kinh tế.

Loạt bài này dù đem lại vinh dự cao quý cho cá nhân (Giải B - Giải Báo chí quốc gia), nhưng tôi không thấy niềm vui trọn vẹn. Trong tôi vẫn luôn khắc khoải mối quan tâm với việc cấp điện ổn định, an toàn cho nền kinh tế, bởi tôi cùng gia đình là một tế bào trong đó và sẽ không thể tránh khỏi ảnh hưởng, nếu nền kinh tế gặp những tổn thương do cấp điện không ổn định.

Có một thực tế là, từ năm 2011 đến 2018, tức là 7 năm liền, ngành điện không thiếu điện để cung cấp cho phát triển kinh tế, nhưng đến năm 2018 thì không còn dự phòng nữa.

Dẫu vậy, sự may mắn vẫn diễn ra trong thời gian qua. Khi các nguồn điện lớn gặp khó về triển khai đầu tư trong nhiều năm, thì nhờ sự phát triển nóng của năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời và điện gió) trong giai đoạn 2019 - 2021, cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới đình trệ sản xuất trong năm 2020 - 2021, đã giúp cấp điện chưa phải đối mặt với những thách thức nan giải như dự báo.

Nhưng, dịch bệnh rồi cũng qua, nhịp sống trở lại bình thường, Việt Nam tiếp tục là địa chỉ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao. Năng lượng tái tạo dù bùng nổ, nhưng không phải là nguồn ổn định, còn các nguồn điện lớn vẫn bế tắc, lại làm dấy lên nỗi lo về đảm bảo điện.

Trên thực tế, đầu tháng 6/2021, việc cắt điện đã diễn ra ở một vài nơi, trong một vài thời điểm. Dù nhiều người lạc quan cho rằng, tình trạng này chỉ diễn ra trong một vài thời điểm cực đoan, nhưng những người hiểu rõ ngành điện lại rất lo lắng, bởi việc cắt điện sẽ diễn ra nhiều hơn, nếu các giải pháp khắc phục không được nhanh chóng đưa ra và giải quyết một cách quyết liệt.

Khi chia sẻ tâm tư này với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và các chuyên gia, tôi đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm và quan tâm.

Các doanh nghiệp và chuyên gia đều mong muốn có được những diễn đàn thực chất và gần gũi để truyền tải các thông điệp cụ thể tới cơ quan hữu trách và cộng đồng, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và thiết thực để đảm bảo điện đi trước một bước, tạo đà cho phát triển kinh tế.

Khi tờ báo và từng phóng viên thấu hiểu ngành, lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi, nắm bắt được dòng chảy của các hoạt động kinh tế, của ngành, thì sẽ dễ dàng chọn đúng và trúng vấn Đề. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng không ngại coi báo chí là bạn đồng hành.

Thay vì những cách thể hiện truyền thống chỉ dừng lại trên báo viết, báo điện tử hay những tọa đàm, hội thảo trực tiếp với số lượng người tham dự hạn chế, cùng với xu thế số hóa, để tiếp cận độc giả rộng khắp, Hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện” hay Talkshow “Đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022” theo hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến đã được Báo Đầu tư tổ chức.

Đề cập vấn đề khá khô khan và không dành cho số đông, nhưng số lượng người theo dõi các cuộc hội thảo, talkshow về ngành điện trên các nền tảng điện tử của Báo Đầu tư là baodautu.vn, vir.com.vn, tinhnhanhchungkhoan.vn cũng như các các fanpage, kênh YouTube của Báo Đầu tư đã đạt những con số đáng ngạc nhiên.

Mối lo về vấn đề khô và khó, người quan tâm không nhiều, doanh nghiệp thờ ơ (dù là chuyện của mình) đã được giải tỏa trước sự quan tâm nhiệt tình của độc giả.

Điều này khiến chúng tôi nhận ra rằng, dư luận không hề thờ ơ với các vấn đề khó về mặt kỹ thuật.

Từ các cuộc hội thảo và tọa đàm trực tuyến về ngành điện, không chỉ Báo Đầu tư nhận ra mối quan tâm lớn của độc giả về những vấn đề khó và khô khan như điện, mà ngay chính các doanh nghiệp trong ngành điện cũng hiểu thêm nhu cầu tìm hiểu của dư luận về các hoạt động của mình.

Vốn bị “mang tiếng” là độc quyền, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện luôn gặp phải sự phản ứng của dư luận khi đề cập tới câu chuyện giá điện, đầu tư… Điều này khiến việc thuyết phục các doanh nghiệp cử người tham gia tham gia tranh luận trực tiếp tại hội thảo, tọa đàm về các vấn đề nóng của ngành điện có những khó khăn nhất định, bởi e ngại người nghe không thông cảm, lại càng tạo ra sự xa cách và thiếu thiện chí với ngành.

Tuy nhiên, uy tín của Báo Đầu tư cùng nội dung rất thực chất của vấn đề được chọn thảo luận đã thuyết phục được doanh nghiệp cất lên tiếng nói, để giúp mọi người hiểu đúng hơn sự việc.

Cùng với sự đồng hành của báo chí qua các hình thức thể hiện phong phú, giờ đây, người dân đã thấu hiểu hơn và chia sẻ với ngành điện hơn khi được trực tiếp nghe những thông tin thực tế. Mối quan tâm của những độc giả ham hiểu biết cũng là nguồn động viên lớn cho chúng tôi để tiếp tục lan tỏa các hình thức truyền thông số, vốn cũng là mới mẻ với một tờ báo truyền thống như Đầu tư.

Sau các hội thảo, tọa đàm trực tuyến, gần đây, Báo Đầu tư đã ra mắt loạt talk Đối thoại đầu tuần với các diễn giả là chuyên gia, doanh nhân về những vấn đề nóng của nền kinh tế và được đón nhận nhiệt tình thông qua số lượng truy cập và theo dõi.

Thực tế này cũng cho thấy, khi tờ báo và từng phóng viên thấu hiểu ngành, lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi, nắm bắt được dòng chảy của các hoạt động kinh tế, của ngành, thì sẽ dễ dàng chọn đúng và trúng vấn đề. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng không ngại coi báo chí là bạn đồng hành. Đồng thời, độc giả cũng sẽ đồng hành, lắng nghe và chia sẻ, bởi báo chí đã truyền tải thông tin rõ ràng, thực tế và đa chiều, thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề tưởng chừng rất khô khan.

Đồng hành để phát triển

Cần phải nói thêm, dù các hội thảo, tọa đàm trực tuyến về ngành điện có đông đảo người theo dõi và hiểu thêm vấn đề, thì vẫn chưa thể khỏa lấp được bức tranh thực tế về căng thẳng trong nguồn cung điện và sự đứt gãy trong chính sách phát triển ngành.

Sự cố điện dẫn tới cắt điện lại xảy ra vào đầu tháng 7/2022 và tương lai thì chưa dự đoán được.

Trong lúc đó, các công trình điện truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư tư nhân vẫn gặp khó khăn bởi bế tắc về cơ chế. Các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai dở dang hay chuẩn bị đầu tư cũng gặp khó khi chính sách đứt đoạn, không liền mạch.

Còn nhớ, giai đoạn trước, với tinh thần nỗ lực, lao động ngày đêm không ngừng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công trình thủy điện Sơn La quy mô 2.400 MW đã về đích trước 3 năm, công trình thủy điện Lai Châu 1.200 MW cũng về đích trước 1 năm, mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế.

Bởi vậy, tôi thấy mình vẫn còn nhiều điều cần phải làm để nâng cao sự hiểu biết khách quan về lĩnh vực mình có hiểu biết chuyên sâu. Sự đồng hành của báo chí mang tính xây dựng cũng sẽ góp phần giải tỏa những thách thức, điểm nghẽn của nền kinh tế để cùng đưa ra các giải pháp thực tế, phù hợp với điều kiện đất nước, nhờ đó giúp đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút được nhiều nguồn vốn khác nhau chung tay bảo đảm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là sứ mệnh và trách nhiệm mà những người cầm bút có lương tri không thể thờ ơ, bởi cái giá phải trả nếu điện không được đảm bảo cung cấp ổn định sẽ là những cú sốc khó lường, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà liên quan tới cả xã hội.

Tin liên quan
Tin khác