Con số đáng ngại
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.
Trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%, tạo nên gánh nặng cho y tế gia đình và xã hội. |
Cùng với gia tăng người mắc bệnh thận, số lượng người trẻ suy thận có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, xin việc. Khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%.
Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân còn trẻ bởi việc điều trị rất tốn kém.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng và trẻ hóa là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout…
Những bệnh này cũng có xu hướng trẻ hóa và dần chuyển sang suy thận. Một số người mắc các bệnh lý đường tiết niệu như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu và các bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…) cũng có thể diễn tiến sang suy thận.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, hiện có khoảng gần 150 bệnh nhân lọc máu chu kì tại Khoa Nội thận tiết niệu.
Bệnh nhân B.T.H, nữ 23 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội), sức khỏe bình thường, không triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân đi khám sức khỏe để xin việc, phát hiện ra suy thận mạn.
Bệnh nhân được tư vấn quản lý theo chuyên khoa thận tại một cơ sở y tế, khoảng 2 năm thì tương đối ổn định. Sau đó, bệnh nhân H. nghe theo người quen uống thuốc nam, sau 2 tuần thì bệnh tiến triển nặng lên, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu chu kỳ.
Bệnh nhân nam T.T.A, sinh năm 1997, trú tại Long Biên, Hà Nội cho biết mình không có triệu chứng gì, chỉ mệt đau đầu, đi khám thì phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay.
Theo TS. Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn... thì với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn. Tỉ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.
Hệ lụy từ nhóm bệnh nhân này, khi đang trong độ tuổi lao động, nếu bị mắc bệnh thì làm giảm sức khỏe của chính bản thân người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội. Sau đó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, gánh nặng cho y tế.
Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong. Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.
Chủ động tầm soát sớm
Theo các bác sĩ, gánh nặng bệnh suy thận mạn gây ra rất lớn. Khi đã bước vào suy thận giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động.
Bệnh chỉ có thể khắc phục được thông qua ghép thận nhưng trong bối cảnh nguồn tạng hiến khan hiếm và chi phí ghép tạng đắt đỏ như hiện nay thì giải pháp này vẫn chưa phổ biến.
Ghép thận là biện pháp cuối cùng khi không còn phương pháp điều trị. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện cả nước có gần 5.000 người trong danh sách chờ ghép thận.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến nay đã thực hiện ghép thận cho 1.800 bệnh nhân. TS.Nguyễn Thế Cường, Khoa Thận lọc máu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, trong số các bệnh nhân ghép thận có 33% là nữ và nam là 67%, chủ yếu độ tuổi ghép thận từ 27 - 60 tuổi.
Hiện nay, kỹ thuật lấy - ghép thận cũng ngày càng phát triển, các bệnh viện đã thực hiện lấy thận ghép bằng kỹ thuật nội soi, giúp người hiến tạng sống hồi phục tốt sau khi hiến tạng.
Mặc dù kỹ thuật ghép thận phát triển đã giúp người bệnh kéo dài sự sống, tuy nhiên bác sĩ Cường nhận định hiện nay nguồn hiến ghép tạng nói chung và nguồn hiến thận nói riêng chủ yếu vẫn là người cho sống.
Do vậy hầu hết người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn phải phụ thuộc vào lọc máu định kỳ. Vì thế, việc thay đổi lối sống cùng với tầm soát bệnh thận định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa suy thận mạn.
Để bảo vệ thận, theo các chuyên gia, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể, đặc biệt là rượu bia và chất kích thích, ăn ngủ đúng giờ, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, mọi người không nên tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân.
Người dân nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như: Phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... Đặc biệt, hiện tượng tăng huyết áp cần được chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ.
Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như: Nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác... thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
Bên cạnh đó, việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận để điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.
Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận IgA, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.
Y học tiến bộ, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận, do đó nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn. Bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận.