Doanh nghiệp
Báo động dư cung xi măng: Doanh nghiệp tìm cửa xuất khẩu
Thế Hải - 29/08/2018 08:55
Sức cầu của thị trường nội địa có hạn, trong khi nguồn cung dư tới 30 triệu tấn, nên các nhà sản xuất xi măng phải tìm đường đẩy mạnh xuất khẩu.
TIN LIÊN QUAN

Tiêu thụ nội địa tăng chậm hơn xuất khẩu

Từ đầu năm tới nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng, clinker tại thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn so với xuất khẩu, trong khi nguồn cung dư thừa tới 30 triệu tấn.

Nguồn cung dư thừa đang gây áp lực lớn đối với ngành xi măng. Ảnh: Đức Thanh

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 52,4 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017 (tính cả nội địa lẫn xuất khẩu), bằng 62,3% kế hoạch năm.

Trong khi đó, xuất khẩu 17,65 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 656,3 triệu USD, tăng 63,2% về lượng và tăng 73,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017.  

Ước tính trong 8 tháng, tiêu thụ được hơn 60 triệu tấn xi măng, trong đó nội địa chiếm hơn 40 triệu tấn, còn lại (khoảng 19 triệu tấn) là xuất khẩu. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, tăng trưởng tiêu thụ xi măng tại nội địa thời gian qua đạt mức rất thấp. 

Theo báo cáo của VNCA, tiêu thụ xi măng nội địa từ năm 2015 đến hết năm 2017 có xu hướng tăng trưởng chậm dần.

Ông Cung dự báo, tiêu thụ nội địa cả năm 2018 chỉ tăng nhẹ ở mức trên 3%, trong khi xuất khẩu sẽ khả quan hơn, nhờ một số thị trường Trung Quốc, Philipines tăng nhập khẩu từ Việt Nam.

Sở hữu 2 nhà máy xi măng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam), với tổng công suất 3 triệu tấn, Tập đoàn Xi măng The Vissai than thở rằng, chưa bao giờ bán xi măng khó như lúc này.

“Rất khó để bán xi măng tại địa bàn Hà Nam, Ninh Bình, bởi nơi đây dày đặc các nhà máy, mà sức hấp thụ của thị trường Hà Nam và các tỉnh lân cận có hạn, nên cửa thoát của Vissai là “đánh” mạnh vào thị trường miền Nam và một ngả thoát lớn là xuất khẩu”, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Vissai nói.

Nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng tìm được đầu ra như Vissai. Sở dĩ, tập đoàn này có thể tìm cửa bán xi măng từ thị trường phía Nam và xuất khẩu hiệu quả do sở hữu Cảng biển Quốc tế Vissai và dịch vụ logistics tốt.

Tiếp tục bổ sung nguồn cung

Tình trạng dư cung xi măng đang ở mức đáng báo động, trong khi hàng loạt dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang tiếp tục được bổ sung.

Năm 2017, ngành đưa vào vận hành 3 dự án sản xuất lớn là Xi măng Long Sơn 2 (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), công suất 2,3 triệu tấn/năm; Xi măng Thành Thắng 2 (Thanh Liêm, Hà Nam), công suất 2,3 triệu tấn/năm; Xi măng Xuân Thành 2 (Thanh Liêm, Hà Nam), công suất 4,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thiết kế lên 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia. 

Năm nay, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia (tỷ lệ đang được các nhà máy thực hiện). 

Rõ ràng, tình trạng dư thừa lớn sản phẩm xi măng tại Việt Nam là do công suất của ngành tăng mạnh. Chỉ tính riêng 3 dự án đưa vào vận hành năm 2017 đã làm tổng công suất tăng thêm 9 triệu tấn, nên ảnh hưởng lớn đến thị trường, tăng áp lực cạnh tranh.

Trong khi đó, danh sách các dự án xi măng đang đầu tư và dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2018 đều là những dự án công suất rất lớn, nên càng làm gia tăng sức ép tiêu thụ xi măng. 

Đó là Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn II) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Dự án Xi măng Kaitô Hà Tiên tại Bình Phước của ThaiGroup, công suất 4,5 triệu tấn; Dự án Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai Nghệ An, công suất 1,8 triệu tấn/năm. 

“Trước thực tế trên, VNCA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng từ nay đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... để giảm áp lực cho ngành xi măng. Trong điều kiện ngành hiện nay, đây là giải pháp hết sức cấp bách”, ông Cung nói.

Tin liên quan
Tin khác