Ngân hàng
Báo động sức khỏe nhà phát hành bất động sản, ngân hàng bị siết trái phiếu doanh nghiệp
T.L - 21/11/2021 09:18
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngày càng nóng khi sức khỏe nhà phát hành yếu đáng báo động, NHNN chính thức siết hoạt động mua TPDN của NHTM… là một trong những vấn đề nóng nhất tuần qua.
Ngân hàng bị siết điều kiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)

Nửa triệu nhà đầu tư không rõ tiền mình ném vào trái phiếu doanh nghiệp đi đâu

Lãi suất huy động thấp khiến một lượng tiền không nhỏ trong dân rời bỏ ngân hàng, tìm kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Nhu cầu lớn của nhà đầu tư khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay tiếp tục phát triển bùng nổ, doanh nghiệp đua nhau tận dụng cơ hội để phát hành trái phiếu huy động vốn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ưu tiên kênh gọi vốn qua trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tìm đến ngân hàng. Bên cạnh lý do lãi suất trái phiếu ngày càng rẻ và không còn quá đắt so với lãi vay trung, dài hạn của ngân hàng, thì điều khiến doanh nghiệp “khoái” nhất khi huy động vốn bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là không cần tài sản đảm bảo, không bị giám sát.

“So với phương thức truyền thống là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia phân tích của Công ty SSI lý giải.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay khá dễ dãi, song dòng tiền được doanh nghiệp huy động về được sử dụng như thế nào thì hoàn toàn “tù mù”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, không bị kiểm soát dòng tiền chính là yếu tố khiến doanh nghiệp thích phát hành trái phiếu hơn vay ngân hàng.

Hiện nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên cả nước ước lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng - con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà phát hành không niêm yết, không xếp hạng tín nhiệm, bức tranh tài chính như “lớp sương mù”. Thêm vào đó, đường đi của dòng tiền này không thể nắm bắt, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và cho toàn hệ thống.

Mặc dù quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, song thực tế, các ngân hàng, công ty chứng khoán dễ dàng lách luật bán cho nhà đầu tư cá nhân.

“Người dân bỏ qua các lời cảnh tỉnh của giới chuyên môn, nhà điều hành và lách luật để bằng mọi giá sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nên rủi ro là rất lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp là kỳ hạn dài, trong khi sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đang yếu đi do Covid-19, khả năng trả nợ trong tương lai rất khó đoán định. Theo đánh giá của FiinGroup, năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết  đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động.   

Sức khỏe tài chính nhiều doanh nghiệp phát hành bất động sản yếu đáng báo động

Báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp do FiinRatings vừa công bố cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, năng lực trả nợ của doanh nghiệp bất động sản đang ở mức đáng lo. Đặc biệt, năng lực trả nợ của khối doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết dang ở mức báo động.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động.

Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1x trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5x. FiinGroup ước tính, mức độ đòn bẩy tính tới hiện tại còn cao còn nữa, khi giá trị trái phiếu phát hành mới bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết trong 9 tháng đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 38% tổng tài sản của họ tại thời điểm cuối năm 2020, trong khi con số này với các doanh nghiệp đã niêm yết chỉ chiếm khoảng 4%.

Mặc dù trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết này đầu hết là phát hành riêng lẻ cho các bên mua chính là ngân hàng và công ty chứng khoán và phần lớn có tài sản tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng có sự phân hóa rất lớn về chất lượng tín dụng giữa các nhà phát hành.

Trên thực tế, tài sản thế chấp hay tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ, trong khi giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài.  

Theo các chuyên gia nghiên cứu của FiinRatings, sự kiện bom nợ hàng trăm tỷ USD của Evergrande ((Trung Quốc) đưa ra nhiều bài học cho cả những người đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân), nhà đầu tư bất động sản lẫn cơ quan quản lý.

Do đó, FiinGroup cho rằng, đây là lúc ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng về chu kỳ của ngành bất động sản và đưa ra các biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc tùy theo đặc thù của từng phân khúc cho vay cũng như đặc thù của từng chủ đầu tư, từng dự án. Đối với các khoản tín dụng mới, các định chế tài chính cần thẩn trọng trong việc lựa chọn các dự án và chủ đầu tư bất động sản để phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Với nhà đầu tư cá nhân, việc lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp lại càng phải cẩn trọng. Đầu tư trái phiếu thường có kỳ hạn dài hạn từ 3 đến 5 năm và do đó không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao mà các yếu tố về chất lượng nhà phát hành và các điều khoản để đảm bảo quyền lợi cũng như giảm thiểu rủi ro thu hồi lãi và gốc là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý. 

Với cơ quan quản lý, FiinGroup cho rằng, rủi ro hiện nay đối với thị trường là có và nhất là với nhà đầu tư cá nhân và đại chúng. Tuy nhiên, 47% trong cơ cấu phát hành trong nửa đầu năm nay được mua bởi các nhà đầu tư tổ chức bao gồm ngân hàng và các quỹ đầu tư.

Chính thức siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.  

Theo đó,  tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Đồng thời, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện như: Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn; Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu hoặc vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án sử dụng vốn; Doanh nghiệp phát hành không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng gần nhất và phải có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Ngoài các điều kiện trên, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiểu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất.

Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền…

Thông tư 16 quy định nhiều trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, ngoài thẩm định trước khi mua, tổ chức tín dụng phải thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, ngân hàng thương mại cũng phải phân loại, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng rầm rập chuyển đổi số, pháp lý không theo kịp

Cuộc đua số hóa ngày càng gay cấn, ngân hàng ngày càng mở rộng nhu cầu bán hàng trên kênh số song lại gặp khá nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý.

Theo kết quả quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý 4/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý 3/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát.

Sự thay đổi hành vi khách hàng khiến ngân hàng rầm rộ chuyển đổi số. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ khách hàng mở tài khoản và giao dịch trên kênh số đang ở mức đáng kinh ngạc. Đơn cử, tại VPBank, đến hết tháng 9/2021, tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%, tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh.

Ông Phùng Duy Khương – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank cho rằng, thị trường ngân hàng đang trong giai đoạn mà tổ chức nào có khả năng dẫn dắt khách hàng đến với những dịch vụ số hóa mới nhất, tiên tiến nhất trước thì sẽ dành được thị phần nhanh hơn, không những thế, còn có thể giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn bởi công nghệ số hóa có tính hấp dẫn khó cưỡng.  

Mặc dù tốc độ số hóa của các ngân hàng đang được đẩy nhanh song lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với hành trình số hóa, do hành lang pháp lý hiện vẫn còn một số hạn chế hoặc chưa theo kịp câu chuyện của công nghệ. Nhiều ngân hàng hiện đã áp dụng số hóa 100% kể cả với hoạt động cho vay, song vẫn nơm nớp lo sợ, bởi nhiều sản phẩm dịch vụ, triển khai số hóa hoàn toàn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định.

Một số ngân hàng khác cũng cho hay, hiện nay, dữ liệu sinh trắc học đã được nhiều ngân hàng ứng dụng và có tính chính xác cao hơn cả giấy tờ, thậm chí chữ ký tay vì không thể giả mạo. Tuy vậy, hiện hành lang pháp lý chưa có quy định công nhận tính xác thực của dữ liệu sinh trắc học. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chưa được truy cập kho “dữ liệu gốc” (dữ liệu căn cước công dân) nên tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Liên quan đến kế hoạch chuyển đổi số của các ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới NHNN sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: Chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác.

Tín dụng năm 2022-2023 có thể mở rộng lên 13-14%

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, cho rằng, giai đoạn tới, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống TCTD.

Cụ thể, hiện lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm; áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn trong điều kiện áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng (nhất là khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14 hết hiệu lực).

Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12-13% năm 2021 và 13-14% năm 2022-2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra 8 kiến nghị liên quan đến các giải pháp phục hồi nền kinh tế. Trong đó, liên quan đến chính sách tiền tệ, chuyên gia này kiến nghị, cần xác định rõ mục tiêu và tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Cụ thể, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp trong việc thiết kế và thực thi gói hỗ trợ lãi suất; trong kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (rủi ro lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm).

Liên quan tới gói hỗ trợ lãi  (thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường), TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi (cần lưu ý đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng) hoặc lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới (kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, hạ tầng số…).  

Doanh nghiệp cho vay ngang hàng: Sandbox sắp có, nhưng không phải là "đũa thần"

Xuất hiện ở thị trường Việt Nam suốt 5 năm nay, P2P đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hoạt động P2P đang tuân theo luật dân sự (quan hệ cá nhân cho vay lẫn nhau), không chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp. Tuy nhiên, P2P chỉ hợp pháp nếu thực sự là nền tảng kết nối cho cá nhân cho vay cá nhân, còn nếu doanh nghiệp P2P huy động vốn để cho vay là phạm luật.

Quan điểm của NHNN với P2P vẫn là rất thận trọng, ban hành các quy định thí điểm sẽ rất chặt chẽ trên cơ sở tham khảo ý kiến các bộ, ngành.

Tới đây, hành lang pháp lý cho P2P lending sẽ rõ ràng hơn, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, hay còn gọi là sandbox.

Theo tiết lộ của đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ bản xong phần “lõi” của nghị định này và dự kiến trình Chính phủ tháng 12 tới, trong đó có cả quy định về P2P lending.

Mặc dù sandbox cho fintech nói chung và P2P sắp ban hành, song đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sandbox không phải là “phép màu” hay đũa thần, cũng không phải là giấy phép cho các fintech, các doanh nghiệp P2P “bung lụa”, mà chỉ là công cụ để cơ quan quản lý thích ứng với thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp P2P lending trên thị trường, trong đó có nhiều công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia... Hoạt động cho vay trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...), tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.   Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều điểm ưu việt, song cũng dễ bị lợi dụng lừa đảo, cho vay tín dụng đen, rửa tiền…, nên Ngân hàng Nhà nước rất thận trọng với hình thức này.

Tin liên quan
Tin khác