Tín hiệu mừng từ chính sách
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, dư địa khai thác cho BHXH còn rất lớn. Lý do là, trong nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, mới có gần 14 triệu người tham gia, còn bỏ sót 5 - 6 triệu người. “Hiện chúng ta có 70% lực lượng lao động phi chính thức, nhưng chỉ có 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện”, ông Lợi nói.
Đồng tình với quan điểm này, nhưng ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ ra rằng, với cơ chế như hiện nay, người nghèo thấy mức đóng BHXH cao quá so với thu nhập của họ. Còn người giàu lại không quan tâm vì thấy BHXH chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, BHXH tự nguyện chỉ cho phép người tham gia thụ hưởng quyền lợi về hưu trí và tử tuất.
. |
Trong cuộc họp đầu năm 2018, ông Sơn đã khẳng định, BHXH Việt Nam bắt buộc phải duy trì phát triển ở con số năm sau cao hơn năm trước và mỗi năm phát triển thêm 1 triệu người tham gia BHXH. “Đây là con số chúng tôi phải nỗ lực mới đạt được để cân bằng 1 người nghỉ hưu cần tới 1-2 người đóng BHXH”, ông Sơn nói.
Một tín hiệu đáng mừng hứa hẹn sẽ giúp tăng số lượng người tham gia BHXH là từ ngày 1/1/2018, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng) với 3 mức hỗ trợ là 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho đối tượng khác. Cũng từ năm 2018, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã được mở rộng cho người có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, lao động là công dân nước ngoài có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.
Thách thức vẫn ở phía trước
Với 2 chính sách bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 nêu trên, ông Lợi thẳng thắn cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là thách thức lớn, chúng ta sẽ tổ chức thực hiện như thế nào? Ngoài ra, ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn cho cả đầu tư lẫn cho chi thường xuyên, đặc biệt là cho những chính sách an sinh xã hội thì hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác tham gia hệ thống BHXH tự nguyện ra sao.
Trước đó, khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tỏ ra lo ngại rằng, việc đóng bảo hiểm cho người lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là khó khả thi, vì tỷ lệ nghỉ việc trong thời gian này của khối dệt may chiếm tới 40-50%.
Trong khi đó, liên quan tới việc hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam lại đưa ra con số tính toán cụ thể: “Số tiền Nhà nước hỗ trợ tính trên mức đóng 22% chuẩn nghèo tương ứng 30% bằng 46.200 đồng, 25% bằng 38.500 đồng và 10% bằng 15.400 đồng. Theo quy định, mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ không tương ứng với mức thực tế người lao động đóng. Vì vậy, nếu người tham gia muốn đóng 5 triệu đồng/tháng, thì Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ tiền tương ứng tỷ lệ 30%, 25% hoặc 10% của mức chuẩn nghèo”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi, liệu phía BHXH Việt Nam có tính tới việc gia tăng dịch vụ như ốm đau, thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, ông Thọ nói: “Quan điểm của tôi là chỉ nên duy trì 2 chế độ hưu trí, tử tuất mới phù hợp vì hiện quỹ hưu trí, tử tuất đang tách khỏi quỹ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, đã là tự nguyện thì nếu thích, người lao động sẽ tham gia, không thích thì không tham gia. Giả sử tất cả lao động trong độ tuổi sinh đẻ đều tham gia, rồi dừng lại sau quá trình này thì lấy gì để chia sẻ”.