Doanh nghiệp
Bảo hiểm xã hội thất thu 84.000 tỷ đồng/năm
Thanh Hải - 28/05/2014 14:29
Chế tài xử phạt nhẹ khiến số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của doanh nghiệp trên cả nước đang ở mức cao kỷ lục 12.500 tỷ đồng; chính sách BHXH cũng có nhiều thiếu sót khiến mỗi năm Quỹ BHXH đang thất thu 84.000 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
   
  Chế tài xử phạt nhẹ khiến DN trên cả nước đang nợ, chiếm dụng bảo hiểm xã hội của người lao động lên tới 12.500 tỷ đồng  

Cách đây một tháng, dư luận hết sức lo ngại khi cơ quan BHXH Việt Nam đã công bố con số lũy kế 11.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước đang nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động tính đến hết tháng 3/2014.

Việc doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền BHXH đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người lao động và con số này đang ngày càng gia tăng, bất chấp các nỗ lực đòi nợ của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp nợ BHXH kỷ lục hơn 12.500 tỷ đồng

Hôm nay (28/5), tại cuộc tọa đàm trực tuyến về vấn đề này do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 4/2014, lũy kế số tiền BHXH mà các doanh nghiệp nợ, chiếm dụng của người lao động đã lên tới hơn 12.500 tỷ đồng, tức là tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng.

Trong khi đó, công tác đòi nợ, theo ông Liệu là vô cùng khó khăn. “Các doanh nghiệp từ vài năm nay luôn vin cớ vào khủng hoảng kinh tế, làm ăn khó khăn để lần lữa không đóng BHXH cho người lao động. Dù thực tế, nhiều doanh nghiệp không hề gặp khó, thậm chí còn lãi khủng”, ông Liệu tiết lộ.

Đơn cử như tại Đồng Nai, có doanh nghiệp đang nợ tới 20 tỷ tiền BHXH của hàng nghìn lao động, dù lợi tức năm 2013 của họ lên tới 170 tỷ đồng.

Đó là do chế tài xử phạt hành chính quá nhẹ với mức cao nhất chỉ có 70 triệu đồng, lãi suất chậm đóng trên số tiền nợ của doanh nghiệp hiện cũng được quy định thấp hơn mức lãi suất ngân hàng.

Vì vậy, các doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ tiền lương của người lao động nhưng không hề nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng để dùng vào việc khác. Họ cố tình chiếm dụng và chấp nhận chịu phạt vì mức phạt quá thấp, và lợi ích thu được từ số tiền chiếm dụng lớn hơn nhiều lãi suất vay ngân hàng mà không phải thế chấp hay vất vả làm hồ sơ vay.

Còn bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, khoảng từ năm 2012 trở lại đây, BHXH các địa phương đã quyết liệt trong việc đòi nợ bằng biện pháp mạnh, nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa, nhưng việc thu nợ vẫn rất chậm chạp. “Tính đến nay, đã có 2.400 doanh nghiệp trên cả nước bị khởi kiện ra tòa, nhưng tỷ lệ thu nợ chỉ đạt 28%”, ông Liệu cho hay.

Từ góc độ địa phương, là người trực tiếp tham gia khởi kiện và đòi nợ doanh nghiệp, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến việc thu nợ không hiệu quả.

Ngay từ khâu khởi kiện đã có những bất cập khi lãnh đạo doanh nghiệp dù nhiều lần bị triệu tập đến tòa nhưng không hề có mặt; cơ quan BHXH đến làm việc, lãnh đạo doanh nghiệp cũng luôn né tránh với lý do đi vắng. Thế nhưng, không hề có bất kỳ điều khoản nào điều chỉnh, xử lý những hành vi như vậy của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng gặp khó khăn trong việc cưỡng chế, phong tỏa tài khoản hoặc tài sản của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp mở tài khoản ở rất nhiều ngân hàng nên khó kiểm soát. Mặt khác, phía ngân hàng cũng không nhiệt tình hợp tác vì động chạm đến quyền lợi của họ cộng với lý do đảm bảo lợi ích khách hàng. Do đó, doanh nghiệp có thời gian rút hết tiền trong tài khoản, nhiều khi thi hành án chỉ thu được vài triệu đồng dù số nợ lên tới vài tỷ”, bà Huyền nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, hầu hết tài sản có giá trị của doanh nghiệp đều đã cầm cố cho ngân hàng để vay vốn, nên về lý là thuộc sở hữu của ngân hàng, cơ quan thi hành án có muốn cũng không thể phong tỏa hay phát mại. Chịu thiệt hại cuối cùng không ai khác vẫn là người lao động.

Quỹ BHXH thiệt hại 84.000 tỷ đồng/năm

Không chỉ bất cập trong các chế tài xử lý hành vi nợ đọng, chiếm dụng BHXH, các số liệu mà ông Trần Đình Liệu công bố còn cho thấy những thiếu sót lớn trong chính sách BHXH khiến quỹ BHXH đang thất thu nghiêm trọng vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, các chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe nên hiện có tới 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh không tham gia đóng BHXH cho người lao động.

Trong tổng số khoảng 16 triệu lao động có giao kết hợp đồng thuộc diện bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, các cơ quan BHXH địa phương hiện mới chỉ thu được BHXH của 11 triệu người. Với mức đóng BHXH hiện tại, tính ra Quỹ BHXH mỗi năm thất thu khoảng 56.000 tỷ đồng từ 5 triệu lao động chưa tham đóng BHXH.

Ngoài ra, quy định tiền lương căn cứ đóng BHXH hiện đang được tính trên tiền lương ghi trong hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thay vì thu nhập thực lĩnh.

Do vậy, doanh nghiệp thường thỏa thuận, thậm chí ép người lao động chấp nhận mức lương ghi trên hợp đồng rất thấp để hạ mức đóng BHXH và bù vào bằng các trợ cấp khác.

“Người lao động một phần vì nhu cầu việc làm nên không dám phản ứng, phần vì chỉ thấy lợi trước mắt sẽ bớt được tiền đóng bảo hiểm nên chấp nhận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lách luật”, bà Huyền cho hay.

Theo điều tra của BHXH Việt Nam, mức lương trung bình đóng BHXH hiện ở mức 2,8 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân của người lao động là 3,8 triệu đồng/tháng.

“Với mức chênh lệch đó, Quỹ BHXH cũng thất thu mỗi năm khoảng 28.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng mỗi năm Quỹ BHXH thất thu khoảng 84.000 tỷ đồng”, ông Liệu nói.

Nhằm tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH và ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, bà Minh cho biết, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét đã đề nghị tăng các chế tài buộc doanh nghiệp phải tham gia đóng BHXH cho người lao động để mở rộng đối tượng tham gia.

Mức xử phạt hành chính cho hành vi nợ, chiếm dụng BHXH được đề xuất tăng lên cao hơn hiện nay. Mức lãi suất chậm đóng cũng được đề nghị tăng lên gấp đôi mức lãi suất liên ngân hàng.

“Đặc biệt, Dự thảo Luật BHXH còn kiến nghị đưa hành vi chiếm dụng BHXH vào khung xử lý hình sự và nếu được Quốc hội thông qua, tôi cho rằng sẽ đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi chiếm dụng đang ngày càng tăng lên của doanh nghiêp”, bà Minh nói.

TIN LIÊN QUAN
Không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu
Ngày Lao động, nói chuyện lương hưu, tuổi nghỉ hưu
Bảo hiểm xã hội bất lực với món nợ 11.000 tỷ đồng
Cách tính lương hưu mới: Nghĩa vụ tăng, quyền lợi giảm
Nâng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ngành phải cân nhắc kỹ
Chưa thuận với đề xuất thay cách tính lương hưu
Thứ trưởng Bộ Tài chính giữ chức TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Tin liên quan
Tin khác