Thời sự
Báo Nga, Pháp lý giải vì sao Việt Nam hạn chế thành công dịch COVID-19
Hồng Quân-Linh Hương - 20/04/2020 08:36
Các bài viết nhấn mạnh điểm tạo nên sự khác biệt trong tình hình dịch bệnh ở Việt Nam với các nước khác đó là mật độ lây nhiễm rất thấp, số lượng bệnh nhân được chữa khỏi cao, không có tử vong.

Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly người mắc và truy tìm mọi mối tiếp xúc từ người bệnh. (Ảnh: Phạm Hùng/TTXVN phát)

Trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna) ngày 19/4 đăng bài viết có tiêu đề "Phép màu Việt Nam - cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp," trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bài viết trên nhấn mạnh điểm tạo nên sự khác biệt trong tình hình dịch bệnh ở Việt Nam với các nước khác đó là mật độ lây nhiễm rất thấp (chỉ hơn 260 trường hợp), số lượng bệnh nhân được chữa khỏi cao (hơn 200) và đặc biệt là không có trường hợp tử vong, mặc dù Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, mật độ dân số cao và có biên giới chung với khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp.

Tác giả bài rằng cho rằng thành công của Việt Nam được thể hiện rõ nhất là sự vào cuộc rất sớm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi người dân ở cả trong và ngoài nước đoàn kết, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Bài báo trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “ Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh,” “Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch.”

Trước đó, ngay khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc.”

Nguyên nhân thành công tiếp theo của Việt Nam là kinh nghiệm trong đấu tranh với sự bùng phát các loại bệnh dịch trước đây như dịch SARS vào năm 2003 và dịch cúm H5N1 vào năm 2004. Do đó, Việt Nam đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây lan virus SARS-CoV-2 khi vừa phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên.

Nguyên nhân giúp Việt Nam giảm số người lây nhiễm là sự minh bạch thông tin và phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và người dân. Ngay cả khi xuất hiện nhiều ca nhiễm “nhập khẩu” từ nước ngoài vào, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế tốt, không để trở thành “điểm nóng” của COVID-19.

Theo bài báo, điểm đáng lưu ý trong cách phòng chống dịch của Việt Nam là việc xét nghiệm có chọn lọc, thay vì xét nghiệm đại trà trên diện rộng như Hàn Quốc, tập trung cách ly các ổ dịch và theo dõi chặt các trường hợp từ F1 đến F4.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện khoảng 120.000 xét nghiệm, trong đó có sử dụng bộ kit do chính các nhà khoa học trong nước sản xuất với giá thành hợp lý (chỉ khoảng 15 USD), điều giúp cho bộ kit này đang được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bài báo dẫn ý kiến của các chuyên gia quốc tế đánh giá ngành y tế của Việt Nam đã hoạt động rất hiệu quả.

Ngoài ra, tại Việt Nam cũng áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội” (cách ly xã hội) với các quy định chặt chẽ, thậm chí cho học sinh nghỉ học ngay sau khi kết thúc Tết Nguyên đán. Tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã được người dân Việt Nam ủng hộ và thực hiện.

Bài báo kết luận, mặc dù dịch bệnh gây nhiều ảnh hưởng song giới chuyên gia tin rằng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của nhà nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phát triển mạnh và tiếp tục là một trong những đầu tàu cho nền kinh tế của khu vực châu Á.

Trong khi đó, nhật báo "Le Figaro" số ra ngày 19/4 đã có bài viết lý giải nguyên nhân Việt Nam thành công trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Với kết quả 268 ca mắc, 198 người được chữa khỏi và 0 ca tử vong, Việt Nam đang trở thành một "tấm gương" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đối với các nước phương Tây. Làm thế nào mà đất nước này, sát biên giới Trung Quốc và là nền kinh tế đang phát triển, đã hạn chế được sự lây lan của đại dịch?

Phóng viên TTXVN thường trú tại Paris cho biết, trả lời phỏng vấn báo "Journal du dimanche," ông Kidong Park - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam giải thích: "Ngay sau những ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã rất cảnh giác trước mối đe dọa."

Từ giữa tháng 1, một ủy ban xử lý khủng hoảng đã được thành lập, tập hợp các bộ ban ngành, giới bác sỹ và khoa học để đưa ra những dự đoán về sự bùng phát của COVID-19. Trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố "chiến tranh" chống COVID-19 và yêu cầu "Chống dịch như chống giặc."

So với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam không có đủ phương tiện tài chính để chống dịch. Do đó, đất nước 94 triệu dân này đã thực hiện một chiến lược được tờ "Financial Times" đánh giá là "chi phí thấp."

Thay vì xét nghiệm hàng loạt như Hàn Quốc, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly người mắc và truy tìm mọi mối tiếp xúc từ người bệnh. Kể từ khi bắt đầu khủng hoảng, Việt Nam mới chỉ thực hiện 120.000 xét nghiệm, chủ yếu là những người đã trở về từ các khu vực ổ dịch.

Ngoài việc truy tìm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, Việt Nam cũng đã đưa ra lệnh cách ly bắt buộc trong 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh.

Sau khi ca mắc đầu tiên trong nước được phát hiện, chính phủ đã quyết định đóng cửa hàng không với Trung Quốc và siết chặt kiểm soát 1.000 km đường biên giới trên bộ.

Theo đại diện WHO, "phần lớn các ca mắc là từ bên ngoài. Nhiều người Việt Nam đi học hoặc đi du lịch nước ngoài trở về đã bị cách ly từ sân bay, do đó hạn chế việc truyền virus trong cộng đồng."

Các trường học cũng đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đeo khẩu trang trở thành bắt buộc đối với tất cả người dân.

Phản ứng trước đại dịch của Việt Nam đã được giới chức y tế quốc tế hoan nghênh. Ông Kidong Park đã ca ngợi Việt Nam vì "sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch."

Báo giới Pháp cũng khẳng định việc thực hiện các biện pháp trên chỉ có thể khả thi với sự tuân thủ của người dân. Bên cạnh đó, việc tung tin đồn sai sự thật cũng bị phạt nặng.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân. Các mạng xã hội cũng lan truyền những tin nhắn cổ vũ nhân viên y tế và khẩu hiệu như "Ở nhà là yêu nước!"

Các nghệ sỹ cũng sáng tác nhiều bài hát và điệu nhảy, khuyến khích toàn dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa do cơ quan y tế khuyến cáo./.

Tin liên quan
Tin khác