Theo thông tin được công bố tại cuộc Triển lãm – Hội thảo công nghiệp hỗ trợ của Samsung điện tử do Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam vừa mới tổ chức gần đây, thì sau 7 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay, tỉ lệ nội địa hoá của Samsung đạt 36%. Tuy nhiên, trong số này, mới chỉ có 10% được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp FDI thuộc 9 quốc gia hiện có mặt tại Việt Nam.
Và trong số 32 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, chỉ có 4 doanh nghiệp đã ký hợp đồng trực tiếp, 28 doanh nghiệp còn lại - chiếm gần 90% là các doanh nghiệp cung ứng cấp 2 – cung ứng gián tiếp thông qua một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam. Các sản phẩm cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như: bao bì, đóng gói và khuôn mẫu.
|
Còn đối với LG, khi tiến hành đầu tư một tổ hợp công nghệ có quy mô lớn tại Hải Phòng, với diện tích 800.000 m², họ đã đặt ra mục tiêu nội địa hoá 50% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, LG mới chỉ ký được hợp đồng với 01 doanh nghiệp trong nước là công ty TNHH 4P (công ty 4P) với tư cách là doanh nghiệp cung ứng cấp 1 - cung ứng bản mạch điện tử trực tiếp.
Cũng giống với Samsung, LG cũng đòi hỏi sự khắc khe rất cao về công nghệ, chất lượng. Chẳng hạn như, với một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì Samsung yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đủ khả năng chính xác đến phần trăm. Như việc sản xuất bản mạch điện tử cho LG của công ty 4P, họ đòi hỏi không được phép xảy ra bất kỳ sai sót hay sự chậm trễ nào, ảnh hưởng trực triếp đến tiến độ sản xuất của toàn bộ tổ hợp của LG tại Hải Phòng.
Theo ông Hoàng Minh Trí, Chủ tịch HĐQT của 4P cho biết, thì để đầu tư một dây chuyền tự động như thế này, kinh phí không hề nhỏ, mà thời gian thu hồi vốn dài. Ví dụ như dây chuyền sản xuất bản mạch cho thiết bị âm thanh cho ô tô cung cấp cho LG với công suất 100.000 chiếc/tháng có tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Lý giải về việc 4P có thể tham gia vào một công đoạn sản xuất của LG, ông Trí cho biết, do công ty đã có kinh nghiệm gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điện tử, và đã có sự hợp tác từ lâu với LG. Do đó, LG đã có một quá trình thẩm định năng lực của 4P.
Theo ông Trí, việc trở thành một mắt xích trong chu trình sản xuất của LG đem lại cho 4P rất nhiều cái được. Cái được đầu tiên chính là sự ổn định trong sản xuất, doanh thu và đảm bảo kế hoạch tài chính cho công ty. Bên cạnh đó, tiếp thu được quy trình quản lý bài bản, khoa học từ một tập đoàn lớn trên thế giới. Các kỹ sư, lao động của 4P đều được đi tào tạo và thực tập trong nhà máy của LG tại Hàn Quốc trước khi về làm việc tại nhà máy tại Hải Phòng.
Có thể nhìn thấy, có rất nhiều giai đoạn sản xuất, rất nhiều chi tiết, linh kiện lắp ráp cho các dòng sản phẩm của LG, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được, chẳng hạn như sản xuất vỏ điện thoại, ốp điện thoại bằng nhựa cho LG.
“Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, là doanh nghiệp Việt Nam không dám đầu tư, vì chi phí lớn, ưu đãi thấp. Như 4P là không mất chi phí thuê nhà xưởng hay đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Hải Phòng, vì được LG giao mặt bằng sản xuất ngay tại tổ hợp của họ. Còn nhà máy của 4P tại Hưng Yên thì thuê đất chỉ được thanh toán 5 năm/lần và theo biểu giá mới được áp dụng. Nhưng doanh nghiệp FDI thì được thanh toán 01 lần. Như vậy chỉ tính riêng yếu tố này thôi, doanh nghiệp FDI đã có lợi thế hơn rồi”, ông Trí cho hay.
Vấn đề khác đặt ra, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung, hay LG, Nokia,…thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu khắc khe về chất lượng của họ. Muốn thế thì phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, con người. Nhưng vốn đầu tư sẽ rất lớn. Và khi đầu tư rồi thì họ lại lo lắng về vấn đề liệu có được đối tác chấp thuận sử dụng sản phẩm của mình. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi doanh nghiệp trong nước không rõ ràng, lại thường xuyên thay đổi. Đây là yếu tố làm “nhụt” sự đầu tư của doanh nghiệp nội. Đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp trong nước, đó là chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ cần có sự bình đẳng với doanh nghiệp FDI, và phải ổn định. Điều đó sẽ tạo ra được sự cạnh tranh tối đa về giá thành.
Vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong buổi hội thảo về công nghiệp hỗ trợ diễn ra mới đây tại Hà Nội. Tại buổi hội thảo này, đại diện của Samsung Việt Nam cho biết, hiện họ đã lựa chọn thêm được 09 doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành đối tác trong thời gian tới, nhưng phải xét thêm các tiêu chí về giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính. Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý nên là trung gian tìm kiếm đối tác để doanh nghiệp nội và đối tác có thể có một sự ràng buộc nhất định, tạo cơ sở cho doanh nghiệp trong nước quyết định bỏ tiền ra để đầu tư công nghệ, máy móc đáp ứng được yêu cầu của đối tác.