Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn mất điện, toàn bộ hoa màu bị thiệt hại
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sáng 11/10, bão quét qua Lý Sơn với sức gió cấp 8 làm nhiều cây xanh ngã đổ, mưa lớn và gió giật nên gần 50 ha nông nghiệp chủ yếu là câu hành bị dập nát. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa ngày 11/10, Quảng Ngãi còn 251 tàu/3.693 lao động đang còn hoạt động trên các vùng biển, gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía Bắc, phía Nam và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.
Thu hoạch hành bị mưa dập và gió gãy trên đảo Lý Sơn |
Nước sông Trà Bồng Quảng Ngãi dâng tràn vào khu dân cư |
Trong số đó, hiện có 3 tàu của Quảng Ngãi bị hỏng máy, đang trôi dạt trên biển, chưa thể tiếp cận, cứu hộ được do sóng to, gió lớn, gồm: tàu cá QNg 92717 TS, có 7 ngư dân; tàu cá QNg 90741 TS, trên tàu có 4 ngư dân và tàu QNg 96317 TS bị hỏng máy lúc 18 giờ ngày 9/10, theo thông tin trực ban huyện Lý Sơn, chủ tàu đã hợp đồng cứu hộ với tàu ở Khánh Hòa. Tính đến trưa ngày 11.10, dung tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi Quảng Ngãi đạt trung bình 37,4% dung tích thiết kế, trong đó, các hồ có tràn tự do (119 hồ) đạt 36,5%, các hồ có cửa van điều tiết đạt 37,6%. Riêng mực nước hồ thủy điện Đăkdrinh, vào trưa nay, mực nước hồ đã ở cao trình 399 m (cao trình tối đa 410 m), dung tích khoảng 150 triệu m3, tương đương khoảng 60% dung tích hồ chứa.
Quảng Nam: Quốc lộ 1 chia cắt, sạt lở nhiều tuyến tỉnh lộ
Đợt mưa lớn khiến quốc lộ 40B lên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng. Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã huy động phương tiện nỗ lực khắc phục để sớm thông xe bước 1. Do nước dâng cao, quốc lộ 1 đoạn qua xã Tam Đàn, Tam An (Phú Ninh) và xã Bình An (Thăng Bình) bị ngập nặng, các phương tiện bị cấm không cho qua khu vực ngập sâu. Từ chiều 10/10, nước dâng và tràn qua quốc lộ 1 tại km983+100 khiến việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Đến sáng nay 11.10, nhiều vị trí thuộc địa phận các xã Tam Đàn, Tam An, Bình An bị ngập sâu. Có nơi nước tràn qua quốc lộ ngập hơn 0,5m. Lực lượng cảnh sát giao thông đã túc trực, nhắc nhở người điều khiển xe máy và các loại xe có gầm thấp không được qua đoạn đường này. Đối với ô tô muốn về Đà Nẵng phải lưu thông lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Nước ngập Quốc lộ 1 qua Quảng Nam |
Khắc phục sạt lở tuyến tỉnh lộ đi Bắc Trà My, Quảng Nam |
Đà Nẵng: Tiếp tục cho học sinh nghỉ học
Trưa 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng có công văn gửi Phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học do mưa lớn ảnh hưởng của bão số 6. Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 12/10 (thứ Hai) cho đến khi có thông báo mới.
Ngày 11/10 Ban Chỉ huy PCTN&TKCN thành phố Đà Nẵng cho biết do mưa lớn kéo dài, hiện hai hồ chứa lớn nhất ở thành phố là hồ Hòa Trung và hồ Đồng Nghệ đều đã đầy hoặc xấp xỉ đầy nước, phải xả tràn. Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) như Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương tiếp tục xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Tính đến 4 giờ sáng 11/10, mực nước các hồ thủy điện như sau: A Vương 373.00/370 (m), lưu lượng (Q) xả tràn + chạy máy: 622.5m3/s ; ĐắkMi 4: 252.98/251,5 (m), Q xả tràn 125.99 m3/s ; Sông Bung 4: 219.91/216 (m), Q xả tràn + chạy máy: 700m3/s.
Giằng néo trường học khi học sinh nghỉ học tại Đà Nẵng |
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, tại huyện Hòa Vang đã có 9/11 xã (61 thôn, 4.597 hộ) bị ngập lũ: Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Ninh. Các thôn của xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương ngập sâu. Đồng thời ngập úng cục bộ cũng đã xảy ra tại một số địa điểm khu vực đô thị các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ (ngập cục bộ khi mưa lớn ngày 7, 8, 9/10, sau đó rút do một số địa điểm vận hành các trạm bơm chống ngập.
Đã có 754 hộ dân (2.567 người) trên địa bàn thành phố được sơ tán. Trong đó, huyện Hòa Vang tính đến 16 giờ chiều 10/10 đã sơ tán 752 hộ (2.558 người) ở các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến. Quận Cẩm Lệ sơ tán 2 hộ (9 người) ở phường Hòa Thọ Tây.
Tính đến sáng 11-10, trên địa bàn Đà Nẵng đã có 3 người mất tích gồm 1 người tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) do trượt chân tại khu vực sau tràn Hồ Đồng Nghệ; 2 người của tàu ĐNa 90988-TS bị mất tích trên biển. Ngoài ra, có 1 người bị thương (quận Hải Châu) do kính ban công bị gió lốc rơi trúng chân đã nhập viện điều trị.
Thừa Thiên Huế: Xuất lương thực cứu trợ người dân
Tính đến trưa 11/10, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 55 ngàn ngôi nhà bị ngập, có nơi ngập sâu đến 1,5 mét. Một số vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền, Phong Điền… có nguy cơ chia cắt, cô lập. Các địa phương, lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng đã tiến hành cứu trợ lương thực thực phẩm khẩn cấp, phục vụ đời sống Nhân dân trước nguy cơ lũ dâng cao, kéo dài. Đến trưa 11/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có hai trường hợp chết đuối do chìm đò trong lúc đánh cá, săn bắt chim; 6 người bị tai nạn khi kê cao đồ đạc tránh lũ, rắn cắn trong lúc lội lũ; hơn 4.000 hộ với hơn 11 ngàn nhân khẩu đã được di dời đến các nhà dân, công trình cao tầng, kiên cố trú ẩn.
Người dân nhận mì tôm hỗ trợ tại tỉnh Thừa Thiên-Huế
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xuất 8.500 thùng mỳ tôm chia về các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, và thị xã Hương Thủy. Đây là số mì tôm từ nguồn dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng tránh mưa lũ và các địa phương bị ngập lũ.