Làm sao vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng chính là đòi hỏi sống còn hiện nay. |
Ở đây, nỗi lo không chỉ nằm ở những tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, mà còn là chuyện làm sao để bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế, đây là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam, mà của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Sau khi Ấn Độ “vỡ trận” vì Covid-19, giờ đây, cả Malaysia, Philippines, Indonesia cũng đang căng mình chống dịch. Ngay Đài Loan, sau 1 năm chống dịch thành công, số ca nhiễm bệnh cũng đang tăng nhanh trong những ngày gần đây.
Câu chuyện nằm ở chỗ, các nền kinh tế này đều là những mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là Đài Loan. Nền kinh tế này cung ứng một loạt sản phẩm quan trọng, như chip điện tử được sử dụng trong sản xuất sản phẩm điện thoại, máy tính, xe ô tô… Nhiều doanh nghiệp lớn của Đài Loan, như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Winston… chính là các nhà gia công hàng đầu cho các hãng công nghệ tên tuổi hàng đầu thế giới như Apple, Sony, IBM, HP…
Đã có các ý kiến cho rằng, dịch bệnh bùng phát ở châu Á, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng có thể khiến xu thế dịch chuyển Trung Quốc + 1 hiện nay bị đảo ngược. Bởi thế, bên cạnh việc chống dịch, các nền kinh tế châu Á cũng đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng không chỉ cho mình, mà còn cho kinh tế toàn cầu.
Dù vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa lớn, nhưng những ảnh hưởng cũng đã được ghi nhận, nhất là khi ở tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh đang tập trung không ít nhà sản xuất có vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Foxconn, Canon, như Luxshare, rồi Goertek, Samsung…
Việt Nam đang rất nỗ lực trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác đi vào tâm dịch cuối tuần trước đã chỉ đạo rõ, cần đặt ưu tiên cao nhất, dồn tổng lực hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh, với quan điểm rất cụ thể rằng “sức khỏe của người dân là trên hết”, nhưng vẫn cố gắng đảm bảo sản xuất - kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong nỗ lực ấy, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vừa đẩy nhanh việc khoanh vùng, cách ly để chống dịch, vừa nỗ lực tiêm vắc-xin cho công nhân trong khu công nghiệp. Trong khi đó, việc đưa hoạt động sản xuất trở lại cũng đang được thực hiện.
Tính tới cuối tháng 5/2021, đã có 10 doanh nghiệp ở 4 khu công nghiệp tại Bắc Giang quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 40 doanh nghiệp đã đăng ký và xây dựng phương án trở lại hoạt động. Trong số này, Bắc Giang sẽ ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại.
Tất nhiên, hoạt động sản xuất tại đây chưa bình thường trở lại và chắc chắn chưa thể sớm bình thường trở lại, bởi dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Giang, Bắc Ninh còn căng thẳng, số lượng công nhân là F0, F1 nằm trong vùng cách ly, phong tỏa còn lớn. Nhưng làm sao vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng chính là đòi hỏi sống còn hiện nay.
Điều này chắc chắn không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Bắc Ninh hay Bắc Giang. Bài học của Hải Dương trong đợt dịch thứ ba vẫn còn đó. Điều đó càng có ý nghĩa hơn, khi dịch bệnh đang lan rộng ở đầu tàu kinh tế TP.HCM và diễn biến phức tạp ở một số địa phương khác trong cả nước.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!