Một góc hồ Trị An nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. |
Bài 2: Phản biện gay gắt từ chuyên gia
Trong khi hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai không tìm được “tiếng nói chung” về đề xuất đầu tư xây dựng cầu Mã Đà, thì các chuyên gia cũng có những phản biện trái chiều và khá gay gắt về vấn đề này.
Góc nhìn “nghiêng” về Bình Phước?
Như đã đề cập ở bài trước, toan tính xây cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước và sự phản ứng từ tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu và dai dẳng khoảng 10 năm nay, chứ không phải mới đây, nên đã có nhiều cuộc tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên xây cầu.
Trước đây, từ tỉnh lộ 322 (nay là tỉnh lộ 753) của Bình Phước kết nối tới tỉnh lộ 768 (nay là tỉnh lộ 761) của Đồng Nai ra ngã ba Dầu Giây từng có cây cầu nối liền, nhưng đã bị bom đạn đánh sập, chia cắt đôi bờ.
Vậy nên, có ý kiến (xin không nêu tên) cho rằng, dưới góc nhìn pháp lý, tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không có thẩm quyền chấp thuận hay không chấp thuận việc xây cầu Mã Đà. Chính phủ quyết định việc thực hiện quy hoạch cầu, đường tuyến tỉnh lộ trên cơ sở tham mưu của Bộ Giao thông - Vận tải. Nếu hai tỉnh không có được “tiếng nói chung”, thì tỉnh Đồng Nai cũng không thể “cát cứ”.
Về giải pháp kỹ thuật, để giảm thiểu ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, theo các chuyên gia, có thể thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: xây cầu cạn (động vật có thể qua lại, đồng thời ngăn chặn phá rừng...); lắp đặt hệ thống camera giám sát, kiểm soát tự động; hệ thống rào chắn 2 bên đường.
“Phát triển mà không bảo vệ môi trường thì sẽ không bền vững”
- TS. Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
“Rừng miền Đông Nam bộ gần hết rồi, chỉ còn Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai mà không gìn giữ, thì xem như không còn đa dạng sinh học. Phát triển mà không bảo vệ môi trường thì sẽ không bền vững”.
“Tại sao không làm một con đường vòng?”
- GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam
“Tại sao làm đường cứ phải đi qua vùng lõi khu bảo tồn? Ai cũng biết, vùng lõi một khu bảo tồn là trái tim của khu bảo tồn. Đây là nơi quan trọng nhất, nơi tập trung các loài sinh vật quý hiếm đặc hữu của một khu bảo tồn. Nếu mất đi trái tim này, thì cả khu bảo tồn, thậm chí cả vùng sẽ mất đi giá trị. Tại sao không làm một con đường vòng, tránh đi qua khu bảo tồn, để vừa ‘cứu’ được khu bảo tồn, mà vẫn phát triển kinh tế - xã hội hài hòa. Trong trường hợp này, con đường ngắn nhất không phải là tối ưu nhất, không phải là hài hòa nhất”.
Trên thực tế, khi vận hành đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đường Rừng Sác - Cần Giờ, rừng vẫn được bảo vệ tốt, mặc dù trước đó có nhiều tranh luận, phản đối vì e ngại việc xây dựng tuyến đường sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn động - thực vật và môi trường.
Về vấn đề dân sinh, việc tái lập cầu giúp cư dân đôi bờ Mã Đà bớt khó khăn, vất vả trong đi lại, sản xuất, mua bán, học hành...
Hai tỉnh từng đồng lòng bảo vệ khu sinh quyển
Trao đổi với chúng tôi, TS. Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (giai đoạn 2007 - 2020) cho biết, trước đây, Bình Phước cũng đồng lòng với Đồng Nai trong việc bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Điển hình, khi rừng ở Bình Phước tại khu vực giáp ranh Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bị chuyển thành rừng cao su và cây khác, Khu Bảo tồn có công văn đề nghị tỉnh Bình Phước xem lại cam kết giữ vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã có văn bản cam kết yêu cầu các trang trại giáp ranh Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai trồng lại rừng 200 m tính từ phần giáp ranh.
Sau đó, tỉnh Bình Phước muốn làm cầu để thông thương, nhưng tỉnh Đồng Nai không đồng ý vì cho rằng, việc làm cầu sẽ phá vỡ sinh cảnh khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Sau nhiều cuộc gặp gỡ, cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Trăm (giai đoạn 2013 - 2019) ký văn bản đồng ý không xây cầu nữa.
Cũng bởi bảo tồn tài sản quý giá đó, nên Đồng Nai đóng cửa rừng từ năm 1997 và đổ nhiều ngân sách, công sức di dân ra khỏi rừng…
“Trong cụm kinh tế trọng điểm cả nước (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước) mà còn khu rừng với danh hiệu sinh quyển thế giới là một giá trị vô giá. Nó đảm bảo cho sự phát triển bền vững, toàn diện và là tài sản giữ lại cho hậu thế, không những cho Đồng Nai, cho Đông Nam bộ, cho Việt Nam, mà là cho cả thế giới, mong Chính phủ cân nhắc”, ông Mùi đề xuất.
Đồng quan điểm, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đương nhiệm, ông Nguyễn Hoàng Hảo cho rằng, phương án xây cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến Quốc lộ 13C đi qua Khu Bảo tồn, không phù hợp với đề án bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Khu Bảo tồn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa.
“Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm (2017), nếu chuyển từ đất rừng đặc dụng sang mục đích khác, địa phương phải trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, việc thay đổi tác động vào nơi này còn phải xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và thế giới cũng như ý kiến của Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam” ông Hảo nói.
Việc xây cầu có phá vỡ Khu dự trữ sinh quyền thế giới?
Liên quan đề nghị đầu tư dự án xây cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước, GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia MAB Việt Nam đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Đồng Nai.
Trong văn bản, GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí bày tỏ quan điểm khá gay gắt khi cho rằng, việc xây cầu sẽ hình thành tuyến đường 40 km xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sinh cảnh các loài động vật quý hiếm. Phương tiện đi lại có thể gây chết động vật hoang dã; việc thi công xây dựng sẽ gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Tất cả các tác động này sẽ kéo theo hậu quả suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và không đảm bảo các tiêu chí cũng như chức năng của một khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà UNESCO đã công nhận cho Việt Nam.
Việc làm này, theo GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí, là đi ngược lại ưu tiên bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học theo Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học.
“Đây là hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB, đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015 - 2025, Kế hoạch hành động Lima 2016 - 2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp, thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyền thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”, GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí thẳng thắn.
Do đó, MAB Việt Nam đề nghị dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà, ưu tiên xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới thành mô hình phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế.
Được biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến tới đây, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chủ trì làm việc chính quyền tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan liên quan để thống nhất phương án phù hợp.
Với quan điểm của 2 địa phương và sự phản biện gay gắt của các chuyên gia nêu trên, cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý “cuộc đấu” đã kéo dài 10 năm của 2 tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đang đối diện với một “bài toán khó”.
(Còn tiếp)
Mới đây, trong kiến nghị gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh này đề xuất nghiên cứu phương án kết nối giao thông theo quy hoạch chung Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước được định hướng kết nối với nhau qua tuyến đường Vành đai 4, kết nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương qua Đồng Nai đến Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) dài 104 km, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối tuyến với cầu chữ Y, dự kiến xây phía dưới Nhà máy Thủy điện Trị An, đoạn bến phà Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).