Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ninh thành phố Hải Phòng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Đại Sứ quán Hoa Kỳ, UNESCO Việt Nam và các thành viên trong Liên minh Hạ Long - Cát Bà (Coca-Cola, Indochina Junk, Du thuyền Bhaya, Trails of Indochina, Grant Thorton) cùng một số doanh nghiệp quan tâm đến Sáng kiến, như Vinpearl, Công ty du lịch South Pacific...
Ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại diện IUCN Việt Nam cho biết: “Cuộc họp lãnh đạo lần thứ ba Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà được tổ chức nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà, góp phần bảo tồn các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà”.
. |
Nội dung thảo luận tập trung vào thực trạng xả thải từ 500 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, đề xuất các giải pháp quản lý nước thải đang gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nhận của khách du lịch. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực của rác thải rắn và phao xốp tại Vịnh Hạ Long và Cát Bà đối với môi trường cũng đã được trình bày tại cuộc họp.
Vấn đề ngân sách đầu tư và các vấn đề chính sách liên quan đối với hệ thống xử lý nước thải cho các tàu du lịch nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước tại Vịnh Hạ Long cũng được thảo luận tại cuộc họp. Qua đó, các bên liên quan đề xuất các giải pháp quản lý phối hợp giữa chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Báo cáo tình hình tham gia vào sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà, ông Hồ Quang Huy – Phó chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Thành phố Hạ Long đã triển khai đồng bộ các quy hoạch, giải pháp về bảo vệ môi trường vịnh; tổ chức quan trắc chất lượng môi trường; thu gom, vận chuyển về bờ xử lý 1.207 m3 rác thải. Thành phố đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 02 dự án cơ sở JiCa. Đó là Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Về vấn đề xử lý nước thải ở quần đảo Cát Bà, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó chánh Văn phòng BQL Di sản quần đảo Cát Bà cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Cát Hải có 2 hệ thống thoát nước riêng biệt là hệ thống thu nước thải và hệ thống thoát nước mặt. Nước thải từ khu trung tâm du lịch thị trấn Cát Bà được thu gom và xử lý bằng phương pháp hiếu khí tại trạm xử lý Tùng Dinh, nước thải trong khu dân cư sẽ được thu gom và xử lý tại trạm xử lý Áng Vả. Đối với vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn, hiện tại toàn bộ lượng rác thải phát sinh trong ngày được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Đồng Trong (thị trấn Cát Bà) và Đồng Sam (thị trấn Cát Hải). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp chôn lấp tạm thời mà chưa có bãi xử lý rác hợp vệ sinh hay các biện pháp phân loại rác tại nguồn cũng như phân loại rác trước khi đưa vào xử lý tập trung.
Với nguồn vốn hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) là 970.000 USD, dự án Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà đã được triển khai từ tháng 6/2014 nhằm mục đích xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ở Hạ Long (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) để từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và quản lý khai thác hợp lý cảnh quan môi trường thiên nhiên tại vịnh Hạ Long và Cát Bà.
Năm 2015, Liên minh thành lập Ban lãnh đạo với định hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tập trung vào hai nội dung chính là triển khai chương trình chứng chỉ du lịch bền vững cho các công ty kinh doanh du thuyền, và hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý Vịnh Hạ Long cũng như đề xuất mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) là hai tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện Sáng kiến này. IUCN giữ vai trò Ban Thư ký của Liên minh và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác bảo vệ môi trường và MCD tập trung vào huy động sự tham gia và nâng cao năng lực của các bên liên quan ở địa phương nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên, tâp trung vào hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.