Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, chiều ngày 15/8 |
Tiếp tục phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, chiều ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự thảo Luật có 7 chương, 80 điều; so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày nêu rõ, mục đích sửa đổi là nhằm bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Dự thảo luật đã bổ sung một chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, ông Diên cho biết.
Lần sửa đổi này, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng, tờ trình dự án luật nêu rõ.
Điểm mới nữa là Dự thảo Luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Quan tâm đến quy định bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề lần sửa đổi này xử lý thế nào về sử dụng thông tin người tiêu dùng hiện đang bị lạm dụng.
Hiện nay, bên bán hay yêu cầu người mua cung cấp thông tin sau đó người tiêu dùng nhận rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác.
Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép khi chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba, nhưng lại trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin đã được thu thập phù hợp quy định của Luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao.
"Quy định thì như thế, bên bán có thể lạm dụng, nhiều khi đang họp cũng nhận được cuộc gọi mời mua bất động sản, rất mất thời gian, việc này xử lý thế nào?", ông Thanh nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân, việc chia sẻ với bên thứ 3 để không được lạm dụng, gây phiền toái cho người tiêu dùng.
Nhấn mạnh nội dung của dự thảo luật là "mênh mông bể sở", càng đọc càng thấy khó, quy định đủ rõ và thực thi được là không đơn giản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Về dữ liệu cá nhân thì chưa có luật, sắp tới có nghị định và đến năm 2024 mới xúc tiến xây dựng luật, vậy luật này chờ dẫn chiếu Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hay đi trước 1 số bước", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Liên quan đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Dự thảo luật quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và bày tỏ sự đồng ý bằng hình thức phù hợp, trừ trường hợp quy định tại Luật này.
Về sử dụng thông tin của người tiêu dùng, dự thảo quy định, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi mục đích, phạm vi sử dụng thông tin đã thông báo cho người tiêu dùng thì phải thông báo lại và nhận được sự đồng ý của người tiêu dùng về việc thay đổi.
Theo Dự thảo, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ thông tin của người tiêu dùng mà họ thu thập, sử dụng, lưu trữ và có biện pháp ngăn ngừa các hành vi đánh cắp hoặc tiếp cận thông tin trái phép, sử dụng thông tin trái phép...
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin bị thu thập trái phép, sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo.
Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Hồi âm ý kiến đại biểu, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Bộ trưởng Diên cho biết sẽ tiếp thu để quy định chỉ sử dụng trong mục đích kinh doanh chứ không sử dụng cho mục đích nào khác.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.