Là lực lượng xung kích chống đại dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, các nhân viên y tế rất cần những biện pháp bảo vệ, bởi nếu họ bị nhiễm sẽ không còn người để chăm sóc bệnh nhân. |
Nguy cơ vì trang thiết bị giả
TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã trải qua nhiều tháng liên tiếp chiến đấu với Covid-19. Những ngày dài với số thống kê hàng ngàn ca nhiễm mới, hàng trăm ca tử vong vẫn chưa dừng lại. Lực lượng tuyến đầu tiếp tục gồng mình làm việc, từ điều trị, chăm sóc bệnh nhân đến truy vết, xét nghiệm và tiêm vắc-xin.
Trong cuộc chiến với Covid-19, khẩu trang y tế là trang thiết bị quan trọng, nhưng có thực tế là nhiều y, bác sỹ đã phải dùng những chiếc khẩu trang giả, nhái, kém chất lượng.
GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã tỏ ra lo ngại về nguy cơ nhiễm bệnh vì khẩu trang kém chất lượng.
Theo ông Giang, khẩu trang N95 giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus Covid-19, song kết quả kiểm tra cho thấy rất nhiều khẩu trang nhận từ các nguồn tài trợ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do đeo khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế", ông nói.
Gần đây, cơ quan quản lý đã bắt một số vụ buôn bán khẩu trang N95 giả với số lượng lớn. Có khả năng nhiều khẩu trang tặng cho các cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng được cung cấp từ nguồn này.
Trong thời điểm hiện nay, dù vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế tại các tỉnh phía Nam là rất quan trọng, nhưng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập, phải tính toán đến việc bảo đảm khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình một chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại TP.HCM có số lượng ca nhiễm rất lớn, thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn bảo đảm được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người được Bộ Y tế cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách chống dịch tại 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long cho hay, quá tải bệnh nhân khiến tâm lý nặng nề đè nặng lên y, bác sỹ, đặc biệt khi có đồng nghiệp trở thành F0 hoặc hy sinh.
“Stress và trầm cảm là trạng thái tinh thần phổ biến với nhân viên y tế. Hơn 2 tháng qua, các y, bác sỹ đã phải chứng kiến bệnh nhân tử vong liên tục hoặc nặng mà không còn giường tiếp nhận. Khi ấy, nhiều người trong số họ đã không kìm được xót xa, khóc suốt đêm để rồi sáng mai họ phải mang áp lực lớn bắt đầu một ngày làm việc mới”, ông Cấp lo lắng.
Hỗ trợ bằng giải pháp cụ thể
Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 16.000 chuyên gia, y, bác sỹ cùng hàng tấn trang thiết bị được Bộ Y tế huy động vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Nhiệm vụ bảo vệ đội ngũ tuyến đầu chống dịch là yêu cầu bức thiết đặt ra, bởi họ không chỉ đối diện nguy cơ nhiễm bệnh cao, mà khi đã nhiễm bệnh, họ còn có thể là nguồn phát tán bệnh trong cơ sở y tế. Vậy nên, trước khi chờ đợi các biện pháp bảo vệ từ cơ quan quản lý, để bảo vệ bản thân, theo các y, bác sỹ trong quá trình làm việc đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, các địa phương cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh cần xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm theo từng khu vực, từng đối tượng nhân viên y tế; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Bộ Y tế lưu ý, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế, các bệnh viện không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và nhân viên y tế chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp đề xuất, với thiết bị y tế như khẩu trang thì ngay cả nhân viên y tế cũng khó phân biệt thật giả, do đó cơ quan quản lý cần có chính sách kiểm soát trang thiết bị dùng để bảo vệ nhân viên y tế. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, một giải pháp được coi là then chốt không chỉ trong thời điểm hiện tại mà cả tương lai được nhiều chuyên gia nhắc tới, đó là các cơ sở đào tạo y, dược cần đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu, y tế dự phòng để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh khi có tình huống phát sinh.