Du lịch
“Bắt bệnh” đúng, tung giải pháp khả thi để làm ấm du lịch nội địa
Hồ Hạ - 15/04/2021 16:35
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành du lịch Việt Nam phải “bắt bệnh” cho đúng, lựa chọn và tung ra giải pháp khả thi để nhanh chóng làm ấm lại thị trường nội địa.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá thế giới trong hơn 1 năm qua. Nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong đó ngành Du lịch thế giới đã tụt lùi hàng chục năm.

Ở Việt Nam, du lịch và hàng không là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch - ngành đang tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, lại bị suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, bởi vậy, duy trì và khôi phục các hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành du lịch, mà còn của cả nền kinh tế.

Do đó, chiều 15/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề: “Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành du lịch Việt Nam phải “bắt bệnh” cho đúng, lựa chọn và tung ra giải pháp khả thi để nhanh chóng làm ấm lại thị trường nội địa.

Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp du lịch trong cả nước, là sự khẳng định quyết tâm cao của ngành du lịch trong khôi phục du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của Ngành.

Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực, nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.

Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch nội địa có hiệu quả hơn, đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch Inbound và Outbound, Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; Các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.

600 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn sẽ là 600 véc - tơ cùng chiều, là bị phóng cho du lịch nội địa.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo cho sự phát triển.

“Quả thực, nếu dựa trên mức chi tiêu, một vị khách quốc tế chi tiêu lớn hơn mức chi tiêu của một người Việt. Phải chăng, từ sự thực đó, chúng ta đã chú ý nhiều đến thị trường khách quốc tế mà lãng quên, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường du lịch nội địa?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Từ cơ sở đó, Bộ đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ chiến lược phát triển du lịch nội địa.

“Như vậy, chúng ta đã có định hướng hoạt động, nhưng ai làm và cách làm như thế nào? Khi Covid-19 bùng phát, chúng ta mới giật mình nhìn lại và nhận thấy cả sản xuất, kinh doanh đến quản trị, quản lý ngành du lịch chưa thực sự đi bằng hai chân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Do đó, ông cho rằng, đây là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới để phát triển thị trường nội địa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều thông điệp, nhiều khuyến cáo và mong các doanh nghiệp chủ động phương án, xoay trục từ thị trường khách quốc tế sang thị trường nội địa.

Diễn đàn Du lịch nội địa 2021 có sự tham gia của khoảng 600 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Ông nói: “Chúng ta xác định du lịch nội địa sẽ là động lực, là cứu cánh để làm nóng lại thị trường du lịch và bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận và quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc hơn về một thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân trong nước”.

“Chỉ có những con người Việt Nam yêu Tổ quốc, gắn bó với mảnh đất này mới là những du khách bền vững nhất mà ngành du lịch phải nghĩ đến phục vụ. Và quả thực, nếu chúng ta tiếp cận theo cách đó, đổi mới từ phương pháp, cách nhìn, phong cách phục vụ thì chúng ta sẽ mở ra một thị trường du lịch nội địa mới không thua kém gì thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thêm.

Theo số liệu thống kê, quý I/2021, khách du lịch chỉ đạt 16,5 triệu lượt, trong đó 8,5 triệu lượt khách có lưu trú, tổng thu du lịch chỉ đạt 72.000 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này khiến chúng ta phải “bắt bệnh” cho đúng, lựa chọn và tung ra giải pháp khả thi để nhanh chóng làm ấm lại thị trường du lịch nội địa. Từ đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng chung của đất nước mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đề ra là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Ngoài khát vọng xây dựng ngành du lịch vững mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, giải pháp đầu tiên là các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực.  

Giải pháp thứ hai là nghiên cứu lại thị trường nội địa vì theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, nhu cầu của du khách rất lớn, chúng ta phải cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược phải được tính toán lâu dài cho vấn đề phát triển thị trường du lịch nội địa.

Giải pháp thứ ba là sự liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, sản phẩm; kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách.

Giải pháp thứ tư là du lịch, sản phẩm du lịch không thể tách rời yếu tố văn hóa. Do đó, phải tập trung đầu tư, từng bước xây dựng hình thành văn hóa ở các điểm đến du lịch. Bởi, chỉ khi chúng ta hình thành được điều này, du khách mới yêu quý điểm đến, vùng đất để không chỉ  doanh nghiệp là người dẫn dắt hoạt động du lịch mà mỗi người dân cũng chính là một sứ giả của du lịch Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, 600 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn sẽ là 600 véc - tơ cùng chiều, là bị phóng cho du lịch nội địa, khi cùng nhau chú trọng và đặt thị trường nội địa đúng vị trí, vai trò.

Tin liên quan
Tin khác