Điểm nóng
“Bắt bệnh” ngập nước ở các đô thị lớn - Bài 5: Phải có quy hoạch thoát nước tổng thể cho đô thị
Nhiệt Băng - Thanh Chung - 28/10/2022 10:55
Những bất cập trong công tác quy hoạch hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra và bàn giải pháp khắc phục. Theo đó, cần phải có quy hoạch chung thoát nước tổng thể cho đô thị.
Càng đô thị hóa, càng ngập nặng. Càng chống ngập càng ngập. Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu tầm nhìn, chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, bền vững tại không ít thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

Hệ thống thoát nước không thể xem là yếu tố “phụ” trong cấu trúc hạ tầng đô thị
- KTS. Cao Quang Tổng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Liriver

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, mưa nhiều, tập trung theo mùa nên rất bất lợi cho hạ tầng đô thị, đặc biệt là lĩnh vực thoát nước. Mưa lớn là tác nhân chính gây ra tình trạng ngập úng, ngoài ra hiện tượng triều cường cũng là tác nhân phụ tại các thành phố có địa hình thấp và gần biển như TP.HCM, Cần Thơ, Rạch Giá…

Đáng lo ngại là cường độ ngập, số điểm ngập và mức độ ngập lụt tại các đô thị đang tăng lên. Điều này cho thấy, hệ thống thoát nước tại nhiều đô thị không đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân của thực trạng này là do hạ tầng thoát nước tại các đô thị Việt Nam chủ yếu là cống ngầm chạy dọc các tuyến đường, được kết nối thành mạng lưới thoát ra kênh rạch, mương hở và hồ điều hòa tại khu vực, rồi sau đó đổ ra nơi tiêu nước chung của thành phố.

Tại Việt Nam, hệ thống thoát nước này bị coi nhẹ và chỉ xem là yếu tố “phụ” trong cấu trúc hạ tầng đô thị, hầu hết hệ thống cống thoát nước được xây theo và phụ thuộc vào đường giao thông và các kết cấu đô thị khác.

Hiện nay, hầu như các đô thị chưa có một quy hoạch chuyên thoát nước tổng thể, hệ thống thoát nước của đô thị được phát triển và xây dựng một cách riêng lẻ và bị động theo tuyến đường mới mà chưa được phát triển một cách chủ động, có hệ thống bài bản và quản lý - vận hành - bảo trì độc lập.

Xét cục bộ từng tuyến đường hoặc một khu phố xây mới thì hệ thống thoát nước được đảm bảo, vì xây theo tiêu chuẩn, nhưng xét đến kết nối tổng thể với của cả khu vực thì không đảm bảo. Đường thoát nước thường bị tắc nghẽn ở vị trí tiếp giáp giữa dự án cũ và mới, đường thoát nước mới kết nối với hệ thống cũ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Hệ thống thoát nước phải là một cấu trúc liên hoàn, đồng bộ thì mới hoạt động tốt, nhưng rõ ràng, kết cấu hạ tầng tại các đô thị luôn là những dự án chắp nối, là những mảng ghép giữa cũ và mới, mang nhiều xung đột về cao độ và các thông số kỹ thuật khác, gây cản trở hiệu quả làm việc của hệ thống.

Do không đồng bộ quy hoạch cốt nền và quản lý cốt nền trong xây dựng chưa tốt, nên xuất hiện các khu vực đô thị bị thấp trũng, không có đường thoát nước. Đáng lo ngại hơn, các đô thị hiện nay còn xuất hiện nhiều khu dân cư tự phát, xây dựng hệ thống thoát nước chưa đúng tiêu chuẩn. Các khu vực này dựa chủ yếu vào lối thoát tự nhiên đã bị chặn dòng bởi chính các công trình và đứt gãy đấu nối với hệ thống chung, hay đấu nối tự do, sai vị trí nên gây ngập.

Tâm lý an toàn, sợ ngập cũng khiến người dân xây nhà riêng lẻ và chủ đầu tư các khu đô thị mới xây dựng công trình có cốt nền cao hơn. Việc này dẫn đến dự án sau có cốt nền cao hơn dự án trước, đây là nguyên nhân chặn dòng chảy gây ngập lụt cho những dự án cũ, thấp hơn.

Các dự án mở rộng đô thị hiện nay xâm phạm nhiều đến tự nhiên, các khu đô thị mới hình thành ngay trên các cánh đồng, phải san lấp, làm thay đổi địa hình địa mạo, nhiều dự án, công trình xây mới xâm lấn sông ngòi, ao hồ, làm giảm rất nhiều không gian thoát nước và gây chặn dòng thoát cũng là một nguyên nhân lớn.

Ngoài nguyên nhân chính trên thì còn có các nguyên nhân khác như hệ cống rãnh đô thị bị nghẹt do ý thức người dân chưa tốt, xả rác tùy tiện. Một nguyên nhân khác không được chú ý, đó là vấn đề cây xanh đô thị. Ở các đô thị miền nhiệt đới như Việt Nam, rác thải từ cây xanh như lá lớn và nhiều, cành mục khi mưa bão cũng gây tắc nghẽn cống thoát nước.

Về giải pháp, tôi cho rằng, đô thị muốn thành công trong việc khắc phục ngập lụt phải phát triển hài hòa với tự nhiên, phải tương thích trong sự kết nối cũ - mới và giảm thiểu sự xung đột trong các kết cấu hạ tầng.

Các con đường xây mới cần thuận theo địa hình, tránh những con đường như đê bao băng ngang ruộng đồng, chặn đường thoát nước tự nhiên. Các hệ số kỹ thuật về lưu lượng thoát nước của cầu cống cần tăng thêm trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Việt Nam nên phát triển các khu đô thị mới và công trình xây dựng tại nơi có địa hình cao ráo, tránh việc san lấp đồng ruộng, ao hồ gây chặn dòng hoặc làm mất nơi tiêu nước tự nhiên cho đô thị.

Đặc điểm của đô thị là có nhiều phân khu thoát nước độc lập, nhưng lại bị khống chế bởi một cao độ thoát nước chung liên quan đến mặt nước tự nhiên như sông hoặc biển. Vì thế, cần xây dựng được hệ thống cốt nền tiêu chuẩn cho từng khu vực và toàn bộ thành phố, quy định và kiểm soát cao độ nền của khu vực xây mới và khu đô thị cũ tránh xung đột.

Đầu tư phát triển hệ thống hồ điều hòa, kênh mương hở, nhưng phải tránh tối đa thoát nước đầu cuối bằng trạm bơm. Việc trông chờ vào trạm bơm rất nguy hiểm, thiết bị này thường không làm việc ổn định do thời gian ngưng sử dụng lâu.

Hệ thống thoát nước cần được đầu tư, vận hành, bảo trì theo một thể thống nhất bởi một cơ quan cho từng đô thị, điều này giúp cho hệ thống được liên hoàn và kiểm soát tốt.

Về vĩ mô, Nhà nước cần có những dự án lớn, tạo sức đề kháng cho đô thị trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, như nạo vét cửa sông giảm lũ cho các đô thị ven sông, xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây…

Xem xét lại hiệu quả của hệ thống thoát nước

- KTS. Trần Huy Ánh,  Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội 

Tôi cho rằng, cần xem xét lại hiệu quả của hệ thống thoát nước tại Hà Nội, liệu còn thích ứng trong thời điểm hiện tại hay không. Những trận mưa gây ngập úng vừa qua, dễ thấy sông Tô Lịch, dòng sông để thoát nước nhưng lại không hề dâng cao, trong khi những khu vực xung quanh thì ngập ngụa trong nước.

Chúng ta cần đặt câu hỏi, hệ thống thoát nước ở Hà Nội đang có chuyện gì vậy, các trạm bơm hoạt động ra sao. Tất cả những vấn đề đó phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện.

Ngoài ra, cần đánh giá tổng thể dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I, II có giá trị như thế nào, nếu không có tác dụng nữa thì chúng ta phải thay đổi nó. Không nên đưa ra những giải pháp mang tính tạm thời, mà phải có lộ trình rõ ràng. Nên tận dụng thời điểm này, khi Hà Nội đang tiến hành đánh giá những bất cập của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau 10 năm thực hiện, cần nhìn thẳng vào những yếu kém của bản quy hoạch để thay đổi nó.

Thiết kế đô thị cần phải có tầm nhìn tổng quát 

- Ông Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng

Mỗi vùng địa lý luôn đi kèm với mật độ dân cư khác nhau. Cho nên, trong công tác quy hoạch hiện nay, chúng ta phải tính tới hệ thống thoát nước, trữ nước. Ví dụ, trên một khu phố có 100 nhà, mỗi nhà sử dụng 1 m3 nước/ngày, nhưng nếu mỗi nhà xây lên 10 - 15 tầng cho nhiều hộ ở, thì lượng nước tiêu thụ tăng gấp hàng chục lần. Cần tính toán, quy hoạch cụ thể 100 hộ dân, thì cống thoát nước là bao nhiêu. Còn nếu để dân số tăng đột biến lên 1.000 hộ, nhưng cống chỉ đủ thoát nước cho 100 hộ thì ngập là điều khó tránh khỏi. Câu chuyện này cho thấy, thiết kế đô thị cần phải nhìn tổng quát.

Những khu vực trung tâm đô thị, theo tôi là cần phải xây dựng bể ngầm chứa nước, giảm thiểu bê tông hóa thì mới hy vọng hạn chế được ngập úng cục bộ. Khu đô thị loại nào thì cốt nền tương ứng với loại đô thị đó. Nếu phát triển đô thị quá nóng mà dựa trên cốt nền cũ, trong khi dân số tăng cao thì nước thoát sao cho kịp.

Việc phát triển đô thị hiện nay không chỉ thiếu tầm nhìn, quy hoạch không đồng bộ, hoặc quy hoạch còn chủ quan, mà công tác dự báo chưa lường hết yếu tố biến đổi khí hậu. Vì thế, nhiều thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp thực tế, khiến một số tuyến thoát nước mới đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả khi mưa ngập.

Hạn chế rủi ro ngập lụt bằng cách tăng hồ chứa 

- TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai

Trận ngập kinh hoàng ở Đà Nẵng ngày 14/10 có lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá (Sơn Trà) là 637 mm/6 giờ. Năng lực thoát nước của các đô thị loại I ở Việt Nam chỉ đáp ứng được lượng mưa khoảng 70 mm/2 giờ. Nghĩa là, với 6 giờ chỉ có thể đáp ứng được lượng mưa là 210 mm. Trên thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các nguyên nhân như tắc nghẽn cống rãnh, vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường…

Như vậy, trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong 6 giờ, cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Điều này khó có thể làm được vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới…

Khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện một lần. Với lượng mưa 600 mm/6 giờ liên tục, thì thường 500 năm mới xuất hiện 1 lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng và hầu hết các đô thị của Việt Nam.

Vấn đề ở đây là tần suất mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều hơn. Các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn báo động III mỗi khi có lũ và vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. Trong lúc chưa thể thay thế ngay hệ thống hạ tầng thoát nước, chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước với hồ chứa, hạn chế lấn sông và dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước đô thị.

Tin liên quan
Tin khác