Đầu tư
Bắt buộc đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Anh Ngọc - 19/03/2018 07:42
Theo quy định tại Luật Đấu thầu, một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu tham dự thầu là đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo quy định, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không được tham dự thầu đối với các gói thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Độc giả Lê Thị Thanh Thủy, thành phố Đà Nẵng đặt câu hỏi như sau: Đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:

- Về tính hợp lệ của nhà thầu tham gia đấu thầu: Hồ sơ mời thầu yêu cầu các nhà thầu đã đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu phải đạt năng lực tương ứng với hạng II theo quy định tại Điều 65, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 (Kèm theo tài liệu chứng minh) và chứng minh được năng lực kinh nghiệm đã thi công các công trình có quy mô, tính chất tương tự như gói thầu đang xét. Nhà thầu X có chứng chỉ năng lực xây dựng dân dụng hạng I.
Giấy đăng ký hoạt động doanh nghiệp của nhà thầu X được đăng ký năm 2009  đăng ký hoạt động xây dựng ở mã ngành nghề 4290 là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (Mã ngành xây dựng công trình công nghiệp, trừ nhà cửa) được chi tiết rõ tên ngành trong giấy phép kinh doanh bao gồm “Xây dựng: Dân dụng, công nghiệp, giao thông, cầu đường, thủy lợi (Đập dâng, hồ chứa, xây lắp kè công, kênh mương, đào đắp kè); Xây dựng đường dây tải điện, trạm biến áp có điện áp từ 35KV trở xuống, xây lắp cấp thoát nước; Xây dựng công trình văn hóa”.
Hồ sơ dự thầu của nhà thầu X chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình đã thực hiện công trình dân dụng cấp II được xây dựng từ tháng 11/2012 và hoàn thành năm 1/2015 (Hợp đồng có giá trị 127 tỷ đồng, biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng, hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ giá trị công trình và công trình đã được quyết toán năm 2015).
Từ các yếu tố trên Tổ chuyên gia chấm thầu của chủ đầu tư có 2 quan điểm trái chiều:
Quan điểm I: Mặc dù có thi công thực tế nhưng năng lực kinh nghiệm của nhà thầu không được chấp nhận vì thực hiện xây dựng công trình không đúng ngành nghề đã đăng ký hoạt động (vi phạm pháp luật) dẫn đến kết luận năng lực nhà thầu không hợp lệ.
Quan điểm II: Hồ sơ mời thầu chỉ yêu cầu nhà thầu có đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia và kinh nghiệm thực tế thi công các công các công trình tương tự về quy mô, tính chất phức tạp là đáp ứng yêu cầu cầu hồ sơ mời thầu, bên cạnh đó tại điều 7 Luật Doanh nghiệp 68/2014/QH13 có quy định quyền của doanh nghiệp “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm;Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh” và tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp cũng bỏ nội dung ghi mã ngành nghề trên giấy đăng ký hoạt động doanh nghiệp nhằm mở rộng thông thoáng môi trường kinh doanh cho các nhà thầu. Nhà thầu đã được cấp chứng chỉ năng lực hạng I về dân dụng. Như vậy, năng lực kinh nghiệm của nhà thầu X này hoàn toàn hợp lệ. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về tính hợp lệ của nhà thầu này.
- Về tư cách hợp lệ của nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và chấm thầu: Nhà thầu tư vấn được chủ đầu tư chỉ định thầu với giá trị thực hiện cho việc lập hồ sơ mời thầu và chấm thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị là 130 triệu đồng (Nhà thầu này có cung cấp năng lực kinh nghiệm, giấy phép kinh doanh và đã đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu vào ngày 31/7/2014 đến chủ đầu tư) tuy nhiên tại thời điểm được chỉ định thầu nhà thầu chưa nộp phí duy trì hoạt động trên Hệ thống. Được biết đây là ngành nghề kinh doanh không điều kiện và năng lực chính là năng lực của các chuyên gia tư vấn, tại Điều 31 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 có nêu “Nhà thầu, nhà đầu tư không nộp chi phí duy trì tên và dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng thời hạn trên sau khi đã được nhắc nhở nhưng vẫn không nộp thì việc đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bị xem là hết hiệu lực, khi đó, nhà thầu, nhà đầu tư sẽ không in được bản xác nhận đã đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này” chứ không quy định hủy bỏ tư cách đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đến nay Nhà thầu tư vấn đã nộp phí duy trì hoạt động và được gia hạn (quá trình nộp phí nhà thầu chỉ cần chuyển tiền cho tài khoản của Hệ thống mạng là tự động được gia hạn, nhà thầu không phải thực hiện việc đăng ký lại năng lực của mình).
Vậy có được hiểu rằng “Việc có tên đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bị xem là hết hiệu lực” không ràng buộc tính hợp lệ của năng lực nhà thầu? Nhà thầu này có năng lực hợp lệ khi thực hiện công việc tư vấn của mình không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề như sau:

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu, một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu tham dự thầu là đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống).

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 37 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quy định bắt đầu từ ngày 1/7/2016, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu.

Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo hướng dẫn tại ghi chú số 10 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm:

- Tương tự về bản chất và độ phức tạp: Có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu này theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với các công việc đặc thù, có thể chỉ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu;

- Tương tự về quy mô công việc: Có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét (hai công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, quy mô mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét thì được đánh giá là một hợp đồng xây lắp tương tự).

Đối với trường hợp của bà Thủy, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm (trong đó có nội dung về hợp đồng tương tự) của nhà thầu thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá đã quy định trong hồ sơ mời thầu và trên cơ sở quy định của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Liên quan đến tư cách của nhà thầu, trường hợp nhà thầu đã có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì được coi là đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ nêu tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu.

Tin liên quan
Tin khác