Cổ phiếu VND tăng kịch trần sau kế hoạch tăng vốn
Giá cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDirect nhanh chóng leo lên mức giá trần trong phiên giao dịch ngày 17/11. Dù nhóm chứng khoán là dòng cổ phiếu giao dịch tích cực nhất phiên hôm nay với đa số các cổ phiếu đóng cửa tăng trên 2%, chỉ có số ít cổ phiếu tăng kịch biên độ như VND.
Đến cuối phiên, giá đóng cửa cổ phiếu này vẫn duy trì mức tăng 6,9% lên 74.300 đồng/cổ phiếu, xác lập đỉnh giá mới của cổ phiếu này. Với giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VNDirect hiện xấp xỉ 32.320 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD.
Ngoài đột biến về giá, phiên giao dịch cũng ghi nhận khối lượng khớp lệnh khủng với 12,13 triệu cổ phiếu được sang tay, cùng gần 540.000 cổ phiếu đặt mua giá trần nhưng chưa được khớp.
Mới đây, công ty chứng khoán này đã công bố tài liệu họp chuẩn bị cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 6/12 tới với loạt nội dung về phương án tăng vốn điều lệ. Trong đó, VNDirect lên phương án chào bán khoảng 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới).
Cổ đông hiện hữu có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác trong thời gian quy định và chỉ được chuyển nhượng một lần.
Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 50%. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá chào bán trong đợt phát hành tương tự hồi tháng 7/2021 (14.500 đồng/cổ phiếu).
Đợt phát hành cổ phiếu thứ hai sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán. VNDirect dự kiến phát hành gần 348 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10:8. Số vốn điều lệ tăng thêm là 3.479,5 tỷ đồng, nhưng có thể điều chỉnh tăng số vốn điều lệ tăng thêm nếu nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm thực hiện cho phép phát hành với tỷ lệ cao hơn.
Nguồn vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán này đã tăng mạnh trong năm qua. Ngoài nhờ lợi nhuận tích lũy được còn đến từ thặng dư vốn cổ phần khi bán cổ phiếu quỹ tại mức giá cao hơn nhiều giá mua và chênh lệch giá chào bán cổ phần ở đợt phát hành liền trước.
Cả hai đợt chào bán dự kiến thực hiện trong năm 2021 và/hoặc năm 2022, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chưa đầy nửa năm trước, VNDirect cũng đã thực hiện tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, qua đó nâng vốn điều lệ từ 2.204 tỷ đồng lên 4.349 tỷ đồng.
Cùng đó, VNDirect còn lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với tỷ lệ bằng 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch tăng vốn này dự kiến thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023, thời gian hạn chế chuyển nhượng do hội đồng quản trị quyết định tại thời điểm thực hiện phát hành.
Cồng ty cho biết việc chào bán thêm cổ phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ của khách hàng, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.
Tham vọng soán ngôi vương vốn điều lệ
Năm 2021 ghi nhận làn sóng tăng vốn mạnh mẽ của các công ty chứng khoán. Từ đầu năm, đã có hơn 30 công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn, trong đó không ít công ty huy động được nguồn tiền mới từ các cổ đông thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu hay các đợt phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư.
Gần nhất, vào ngày 21/10 vừa qua, Chứng khoán SSI đã hoàn tất phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 6:1 và chia cổ phiếu tỷ lệ 6:2. Quy mô vốn điều lệ đã tăng lên 9.847 tỷ đồng và hiện là công ty chứng khoán đứng đầu về tiêu chí này.
Theo kế hoạch đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, SSI còn tiếp tục có thêm đợt chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu với giá chào bán không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày phê duyệt phương án phát hành chi tiết, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng.
Top 10 công ty chứng khoán đứng đầu về quy mô vốn điều lệ |
Nếu thực hiện thành công hai đợt phát hành tới, quy mô vốn điều lệ của công ty VNDirect sẽ cao gấp 2,8 lần hiện tại, tăng lên 12.177 tỷ đồng. Theo các kế hoạch tăng vốn được công bố đến nay, VNDirect có thể bật lên để soán ngôi vương vốn điều lệ trong nhóm công ty chứng khoán, sau khi đã bứt phát lên vị trí thứ ba hiện tại.
Đợt tăng vốn hồi tháng 7/2021 đã gia tăng đáng kể năng lực tài chính của VNDirect. Đến cuối quý III, vốn tự có đã cao gấp 2,23 lần thời điểm đầu năm. Riêng trong quý III, tổng doanh thu hoạt động riêng quý vừa qua đạt 1.627 tỷ đồng, gấp 2,89 lần cùng kỳ năm trước.
Ngoài doanh thu từ mảng môi giới và cho vay margin đều cao gấp 4 lần quý III năm trước, mảng bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán cũng bất ngờ mang về 151 tỷ đồng cho VNDirect, gấp 7 lần cùng kỳ và đóng góp đáng kể trong gần 214 tỷ đồng doanh thu mảng này trong 9 tháng đầu năm. Dù chi phí cũng tăng, nhất là ở mảng tự doanh và môi giới, VNDirect vẫn báo lãi ròng 595 tỷ đồng, gấp 2,38 lần cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.545 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ xấp xỉ 447 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu 9 tháng đã tăng lên 5.623 đồng.