Xuất khẩu gạo đang được đề nghị loại bỏ khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Đức Thanh |
Thu hẹp ngành, nghề đầu tư có điều kiện
Xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, kinh doanh dịch vụ logistics, kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim... đã có tên trong Danh mục 26 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đề nghị bãi bỏ, kèm theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (Dự thảo).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, các đề xuất này thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách, vì có nhiều điều kiện kinh doanh đã là đề tài tranh luận cần hay không giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng kinh doanh từ rất lâu, nhưng chưa giải quyết được dứt điểm.
Chẳng hạn, lý do để xuất khẩu gạo có tên trong danh mục này được giải trình khá ngắn gọn.
Thứ nhất, gạo là hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia và việc dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực đã được quy định tại Luật Dự trữ quốc gia.
Thứ hai, ngoài nội dung về dự trữ gạo nêu trên, ngành, nghề xuất khẩu gạo không phù hợp với mục đích quy định về ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện theo khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư.
Thứ ba, đối với yêu cầu về chất lượng mặt hàng gạo xuất khẩu, thì cần thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Nhưng ông Tuấn và VCCI là những người trong cuộc của những tranh luận căng thẳng, bế tắc kéo dài từ khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành vào năm 2010. Đến tháng 8/2018, Nghị định 107/2018/NĐ-CP được ban hành, đã tháo gỡ, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhưng nhiều rào cản không cần thiết vẫn còn…
Tương tự là đề xuất bãi bỏ kinh doanh dịch vụ logistics khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để tránh chồng chéo, trùng lặp về điều kiện đầu tư kinh doanh. Lý do là, theo Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2/2018, dịch vụ này là “cái mũ” cho 17 dịch vụ cụ thể, như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan...
Trong nhiều cuộc thảo luận, VCCI đã đề xuất: trường hợp cần quản lý theo điều kiện thì các ngành, nghề đã có quy định cụ thể, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Song cho dù vì lý do gì, thì việc thu hẹp ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện sẽ mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp, quan trọng hơn là chi phí gia nhập thị trường, kể cả chi phí thời gian và các chi phí tuân thủ khác, với các ngành này sẽ giảm đáng kể. Đây là điều mà giới kinh doanh luôn tính tới khi bắt đầu một kế hoạch đầu tư - kinh doanh mới.
Làm rõ điều kiện kinh doanh
Có thể các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, nghề có tên tại Danh mục 26 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đề nghị bãi bỏ sẽ cần thêm thời gian để cân nhắc.
Mặc dù là một trong những bộ đầu tiên có đề xuất bãi bỏ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc trách nhiệm gửi tới Ban Soạn thảo Dự thảo, nhưng Bộ Xây dựng vẫn không đồng tình với đề xuất của Ban Soạn thảo về việc đưa hai ngành nghề là kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư ra khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo giải trình của Ban Soạn thảo, lý do của đề xuất bãi bỏ 2 ngành trên vì đây là quan hệ dân sự và chất lượng dịch vụ quản lý do khách hàng và thị trường quyết định; không đáp ứng mục tiêu theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư. Điều này quy định ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng...
Đây cũng là lý do mà Bộ Xây dựng chủ động đề xuất đưa 4 ngành nghề ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành theo Luật Đầu tư, gồm: kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành cơ sở hỏa táng, kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Ban Soạn thảo cũng thừa nhận, quy định của Điều 7 chưa rõ, khiến việc xác định điều kiện kinh doanh có đáp ứng yêu cầu hay không chưa rõ.
“Dự thảo cũng đã đề xuất sửa quy định về điều kiện kinh doanh để giải tỏa vấn đề này”, một thành viên Ban Soạn thảo cho biết.
Theo đó, Dự thảo yêu cầu các quy định về điều kiện kinh doanh phải ghi rõ tên điều kiện đầu tư, kinh doanh; đối tượng và phạm vi áp dụng; hình thức áp dụng của điều kiện kinh doanh; nội dung yêu cầu, điều kiện kinh doanh, hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện; cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và quản lý điều kiện đầu tư, kinh doanh và thời hạn có hiệu lực của điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, nội hàm của các khái niệm: “đầu tư kinh doanh”, “kinh doanh”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” cũng được làm rõ.
Các nội dung mới này cũng là cơ sở để Ban Soạn thảo đề xuất bổ sung thêm 3 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện mới, gồm: tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp, đăng kiểm tàu cá và kinh doanh sản phẩm báo chí.