Thời sự
Bắt đầu tiếp nhận ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi
Tú Ân - 15/07/2015 19:21
Chiều ngày 15/7, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi

Theo đó, ngày 13/7/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 443 điều.

Ngày 14/7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ký Quyết định 1076/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Quyết định nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Theo các văn bản này, trọng tâm lấy ý kiến là những vấn đề như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...

Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề xuất phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Ví dụ như đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Ban soạn thảo đã đề xuất bỏ các tội danh như tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế...

Ban soạn thảo cũng bổ sung tám tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bổ sung tội vi phạm quy định về cạnh tranh nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh.
Nội dung hoàn toàn mới tại dự thảo là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động...

Theo Bộ Tư pháp, Nghị quyết của UBTV Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/7/2015 và kết thúc vào ngày 14/9/2015. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo này gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử boluathinhsu@moj.gov.vn. Cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem.

Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai Kế hoạch này. Cụ thể, Bộ Tư pháp xây dựng Đề cương báo cáo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về
dự thảo...các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tư pháp về quá trình tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 18/9/2015, đồng thời gửi bản mềm báo cáo qua hộp thư điện tử của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước ngày 23/9/2015.

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ, các ý kiến góp ý của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Tin liên quan
Tin khác