Thị xã Dĩ An, tâm điểm của bất động sản Bình Dương. Ảnh: G.H |
Chỗ thừa, chỗ thiếu dự án mới
Nằm sát TP.HCM và từng là tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam từ gần chục năm trước khi là tỉnh đầu tiên có khu đô thị rộng tới 1.000 ha, vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (Dự án Thành phố mới Bình Dương), nhưng bất động sản Bình Dương lại nhanh chóng rơi vào cảnh đóng băng và gần đây mới có dấu hiệu hồi sinh.
Dẫu vậy, cuộc hồi sinh này mới chỉ rải rác ở một vài khu vực. Cụ thể, năm 2016, Bình Dương đón nhận Dự án Him Lam Phú Đông tại thị xã Dĩ An. Đây là khu vực giáp TP.HCM thông qua tuyến đường Phạm Văn Đồng. Dự án gồm hơn 400 căn hộ chung cư và gần 100 căn nhà phố.
Ngay sau khi Dự án Him Lam Phú Đông được ra mắt, thị trường nơi đây nổi sóng khi giá nhà tăng mạnh. Dự án bán hết sản phẩm trong vòng 2 tháng. Giá khi bán ra chỉ 1 tỷ đồng/căn hộ chung cư, nhưng tới nay, giá đã lên 1,8 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, nhà phố tăng từ hơn 2 tỷ đồng lên giá hơn 4 tỷ đồng/căn.
Trước thành công đó, thị trường liên tục đón các dự án chung cư mới, như Phú Đông Premier (cao 35 tầng, với hơn 600 căn hộ); Opal Boulevard (gần 1.000 căn hộ chung cư, giá bán 30 triệu đồng/m2)…
Tại thị xã Thuận An, thông tin nơi này sắp được quy hoạch lên đô thị loại 2 đang là đòn bẩy khiến thị trường bất động sản liên tục biến động. Giá đất tại đây trong thời gian qua đã tăng 20 - 30%, một số khu vực đã lên đến gần 40 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, mới đây, tín hiệu dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản Bình Dương đã xuất hiện, nhưng không phải là nhà ở, mà là bất động sản công nghiệp. Cụ thể, Quỹ Warburg Pincus của Mỹ bắt tay với Becamex IDC thành lập liên doanh bất động sản công nghiệp, đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các nước châu Á vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Bình Dương và TP. Daejeon (Hàn Quốc) đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội và đẩy mạnh việc đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương.
Trong khi đó, tại khu vực Thành phố mới Bình Dương, tuy thị trường có đầy đủ các tiện ích về giao thông, y tế, giáo dục và nằm trong khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương, với nhiều dự án bất động sản nhà phố thương mại, đất nền, biệt thự, chung cư đã hình thành từ lâu, nhưng lại là nơi ảm đạm nhất. Nơi đây, nhiều công trình đang bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng và ít xuất hiện giao dịch cũng như dự án mới nhất.
Bên cạnh đó, những thị trường như Bầu Bàng, Phú Giáo... cũng đều không có dự án mới.
Vì đâu nên nỗi?
Dù các chuyên gia đều nhận định rằng thị trường bất động sản Bình Dương là nơi có nhiều lợi thế hơn so với các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vì địa phương này có hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM tốt nhất, trong khi lực lượng lao động dồi dào, thu nhập tính theo đầu người và nhu cầu nhà ở cao, song thị trường này lại khó phát triển, bởi diện tích tiếp giáp với TP.HCM rất hạn chế, trong khi thị trường chủ yếu phát triển ở khu vực tiếp giáp. Trong khi đó, thị trường chính mà tỉnh xây dựng lại quá xa TP.HCM.
Thêm vào đó, giá bất động sản tại tỉnh này đã bị đẩy giá lên quá cao. Trong khi ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An giáp với TP.HCM, giá bất động sản chỉ 14 triệu đồng/m2, thì ở thị xã Dĩ An, giá đất đã lên tới hơn 40 triệu đồng/m2, chung cư dao động từ 25 đến 30 triệu đồng/m2. Giá đất tại khu Bến Lức (tỉnh Long An) chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2, thì trung tâm Thành phố mới Bình Dương giá hơn 30 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, bất động sản ở Bình Dương hiện chưa được phát triển đúng tầm và bài bản. Các dự án phát triển theo hướng tự phát, các doanh nghiệp bất động sản lớn đổ bộ làm dự án chủ yếu ở khu vực giáp TP.HCM, còn những khu vực khác thì doanh nghiệp không muốn đầu tư vì thị trường rất khó tiêu thụ sản phẩm.
Minh chứng là, các dự án Đô thị Nam Tân Uyên, Eco Lakes Mỹ Phước, Khu dân cư Mỹ phước 3, Green River City… dù đã bán cả 10 năm nay, nhưng vẫn không thể hút được người dân về ở. Lý do chính là hạ tầng giao thông kết nối kém, thiếu các tiện ích nội khu như siêu thị, trường học, khu vui chơi, giải trí…
“Ngoài ra, đặc thù giao thông chỉ duy nhất đường bộ với trục đường chính là Quốc lộ 13 để kết nối với TP.HCM cũng làm thị trường bất động sản Bình Dương khó phát triển”, ông Hậu nói.
Còn ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương cho rằng, thị trường bất động sản Bình Dương trong năm 2019 cần sự bùng nổ của doanh nghiệp bên ngoài, thay vì chỉ đợi các thương hiệu cũ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần có dự án lớn, đi đúng vào tâm lý của người dân địa phương là đất nền hiện hữu với giá rẻ và tiện ích hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
“Để thu hút các doanh nghiệp bất động sản bên ngoài vào Bình Dương đầu tư, điều quan trọng nhất là phải tạo quỹ đất cho doanh nghiệp, cùng cơ chế cấp phép dự án thoáng hơn và hợp lý hơn, nhằm giúp thị trường bất động sản của tỉnh đón lõng cuộc rút chạy khỏi thị trường của các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM”.
Ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương