Chuyển động thị trường
Bất động sản công nghiệp hút vốn mạnh
Vũ Anh - 24/02/2019 09:47
Đúng như dự đoán, ngay đầu năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục thu hút mạnh luồng vốn đầu tư.
Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng.

Bung hàng trăm triệu đô

Gần 1 năm trước, Warburg Pincus và Becamex IDC lập liên doanh Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BWID) trị giá 200 triệu USD (5 năm tiếp theo có thể đạt tổng giá trị tài sản 2 tỷ USD), với tham vọng trở thành nhà cung ứng bất động sản công nghiệp và cho thuê dịch vụ hậu cần lớn nhất Việt Nam.

Tuần qua, sau một thời gian im ắng, Quỹ đầu tư Gaw Capital Partners (Hồng Kông) đã lên tiếng trở lại khi bắt tay với NP Capital Partners, một nhà đầu tư và quản lý bất động sản tại Việt Nam, thiết lập Quỹ đầu tư Gaw NP Industrial, trị giá 200 triệu USD.

Gaw Capital Partners từng “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt Nam, khi tạo ra hàng loạt giao dịch khủng với các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD vào Công ty Tiến Phước, Trần Thái và Indochina Land trong năm 2015.

BWID và Gaw NP Industrial đều nhắm đến các nhà đầu tư và các ngành nghề như sản xuất cơ khí, điện tử, sản xuất ô tô, may mặc. Hiện Gaw NP Industrial đã có các đối tác chiến lược là Tiki, Giao hàng nhanh logistics, Francia Beauty và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).

Trong cuộc chơi này, Gaw NP Industrial khá tự tin khi các nhà sáng lập đã gặt hái nhiều thành công trong việc phát triển mô hình tương tự ở các thành phố cửa ngõ tại Trung Quốc và Australia với 1,3 triệu m2 mặt sàn, số vốn đầu tư cam kết lên đến hơn 1 tỷ USD. Gaw NP Industrial kỳ vọng sẽ  tham gia sâu rộng vào thị trường Việt Nam, bao gồm cung cấp các dịch vụ kho vận, cho thuê và quản lý tài sản.

Theo ông Kenneth Gaw, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Gaw Capital Partners, những nền tảng đó sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp, kho bãi Việt Nam phát triển.

Trong khi đó, ông Võ Sỹ Nhân, đồng sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành của Gaw NP Industrial tin tưởng, sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, làn sóng đầu tư các cơ sở sản xuất từ nước ngoài sẽ kích thích nhu cầu bất động sản công nghiệp, kho bãi, các hoạt động từ thương mại điện tử và giao nhận chặng cuối tại Việt Nam.

Giai đoạn mới

Những thương vụ đầu tư này báo hiệu một giai đoạn mới về phát triển bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, một công ty dịch vụ bất động sản như CBRE Việt Nam lại đưa ra báo cáo chuyên sâu và nhận định về những tác động tích cực của sự tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lên thị trường bất động sản công nghiệp.

Theo đó, những thay đổi nhanh chóng gần đây của Việt Nam về quy định, chính sách và các thỏa thuận thương mại quốc tế đã tạo ra những tác động đáng kể tới thị trường.

Cụ thể, trong 2 năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến một loạt sự kiện quan trọng, thậm chí được kỳ vọng sẽ định hình lại tương lai của cả ngành công nghiệp ô tô, như việc Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Từ góc nhìn của thị trường bất động sản, việc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp sẽ dẫn đến tăng nhu cầu nhà xưởng, các doanh nghiệp cần thuê quỹ đất công nghiệp lớn để xây dựng nhà máy sản xuất ngày càng nhiều.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam đang đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistics và rót vốn đầu tư lớn vào hạ tầng. Do đó, phân khúc về logistics cũng đang có sự thay đổi. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” với nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.

Dự báo, đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Như vậy, bên cạnh công nghệ, các doanh nghiệp logistics cũng phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm miếng bánh lớn trong tương lai.

Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng.

Cần khoảng nửa triệu héc - ta cho bất động sản công nghiệp

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Khu vực Đông Nam Bộ đang là thị trường khu công nghiệp có tốc độ phát triển mạnh nhất cả nước, các nhà xưởng hiện hữu đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy từ 85-90%.

Bất động sản công nghiệp ở miền Bắc dự báo sẽ chịu biến động lớn hơn vì gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên sẽ là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác