Ông John Campbell, Chuyên viên tư vấn cao cấp dịch vụ bất động sản công nghiệp - Savills Vietnam |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, có 3.046 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới với vốn đầu tư đăng ký là 18 tỷ USD. Tổng vốn cả cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần năm 2018 là 35,48 tỷ USD, trong đó chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất, chiếm hơn 46% tổng đầu đăng ký, đạt gần 16,5 tỷ USD.
Có thể thấy, sự thay đổi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không tác động nhiều tới quyết định lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất của nhiều tập đoàn quốc tế lớn. Bởi sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước thành viên còn lại đã đàm phán và ký hiệp định thay thế là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018 và với Việt Nam là từ ngày 14/1/2019.
Ngoài CPTPP, các nhà đầu tư còn đặt kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết như Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc có hiệu lực, hứa hẹn về triển vọng tăng cường hơn nữa trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế còn được thúc đẩy bởi chi phí lao động thấp, giá đất phải chăng, tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp thuận lợi, lực lượng lao động năng động, vị trí địa lý gần những nguồn cung cấp và trung tâm thị trường.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tạo ra làn sóng chuyển địa điểm đặt nhà máy của các nhà sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Là một trong những thị trường công nghiệp phát triển nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam được định vị tốt để phù hợp với dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Những yếu tố trên giúp thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển trong thời gian qua và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 326 khu công nghiệp đã được cấp phép với tổng diện tích 93.000 ha, công suất khai thác đạt 53%. Trong số đó, có 250 khu đang hoạt động và 76 đang trong quá trình xây dựng hoặc đền bù. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động đạt 73%. Ngoài ra, Việt Nam còn có 17 khu kinh tế ven biển, cung cấp 845.000 ha.
Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư mạnh hơn nữa, Chính phủ phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng và mạng lưới vận tải đa phương thức để giảm chi phí hậu cần và phù hợp với các dự án có giá trị cao hơn trong tương lai. Để giữ chân các nhà đầu tư lâu dài, Chính phủ cũng cần cân nhắc đến giải pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan phức tạp và cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế.