Việc sở hữu nhiều tiềm năng kết hợp với định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang mở ra cơ hội bùng nổ cho bất động sản tại Khánh Hòa |
“Vốn khủng” đang chờ
Trong hành trình phát triển, bức tranh đô thị Khánh Hòa đã biến đổi ngoạn mục. Từ một làng biển, Nha Trang đã vươn mình trở thành một trong những đô thị biển đẹp nhất ở Việt Nam. Không gian đô thị của Khánh Hòa cũng đã mở rộng về nhiều khu vực khác, chứ không chỉ với mỗi Nha Trang. Những tiềm năng riêng có về du lịch, cảng biển đã trở thành động lực lớn cho phát triển đô thị ở Khánh Hòa.
Thực tế, trong nhiều năm qua, nguồn vốn khổng lồ của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã rót vào địa phương này, tạo nên một diện mạo mới, mở rộng không gian đô thị, đưa Khánh Hòa trở thành địa chỉ đỏ trên thị trường bất động sản của Việt Nam.
Trong tương lai, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đô thị của Khánh Hòa sẽ phát triển bùng nổ, khi nhiều quy hoạch đang dần được hoàn thiện.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn, cố vấn trưởng Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, địa phương này nằm trong số các tỉnh, thành phố đi đầu trong việc lập quy hoạch tích hợp trên tinh thần khoa học. Một bản quy hoạch tốt đã mở ra nhiều cơ hội phát triển của Khánh Hòa. Vì thế, trong quá trình lập quy hoạch, dù chưa được phê duyệt, nhưng các tập đoàn lớn đã quan tâm bàn thảo việc triển khai các dự án. “Điều đó chứng tỏ, Khánh Hòa nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, có sức hút mạnh mẽ về nguồn lực đầu tư”, KTS. Nam Sơn chia sẻ.
Dòng vốn đầu tư lớn đang được nhiều “đại bàng” chuẩn bị để rót vào tỉnh Khánh Hòa. Tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, hàng loạt dự án lớn được trao chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng.
Trong số này, có thể kể đến nhiều dự án “khủng”, như Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tổng vốn đầu tư hơn 85.293 tỷ đồng, quy mô 1.250 ha; Dự án Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh), tổng vốn đầu tư hơn 3.756 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị sinh thái VCN, tổng vốn đầu tư hơn 8.987 tỷ đồng. Hay như Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm của Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Vân Phong).
Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ ký biên bản ghi nhớ đầu tư Dự án Tổ hợp đô thị - du lịch Hòn Lớn (4.800 ha) và Dự án Cảng hàng không tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh của Tập đoàn Sun Group; đầu tư Khu cảng tổng hợp Ninh Tịnh (750 ha) của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn…
Ngoài ra, với danh mục 122 dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương này cũng mời gọi hàng loạt dự án đô thị. Có thể kể đến như Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tổng vốn là 42.000 tỷ đồng; Khu đô thị mới huyện Cam Lâm có diện tích 17.000 ha. Cùng với đó là nhiều dự án khu đô thị có diện tích hơn 100 ha trải rộng ở nhiều địa phương khác nhau, sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư.
Rộng mở cơ hội
Việc sớm hoàn thiện các quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển tỉnh Khánh Hòa. Từ đây sẽ tạo cơ sở để nhà đầu tư bắt tay vào triển khai những dự án cụ thể.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Khánh Hòa sẽ mở rộng không gian phát triển của địa phương, từ đó tạo động lực phát triển cho nhiều lĩnh vực. “Khi các quy hoạch hoàn thiện, thị trường bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa sẽ có cơ hội “hưởng lợi” theo để thu hút dòng vốn đầu tư”, ông Hoàng tin tưởng.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, theo quy hoạch đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại 1 là TP. Nha Trang và Cam Lâm; một đô thị loại 2 là TP. Cam Ranh; một đô thị loại 3, cùng 2 đô thị loại 4 và các đô thị loại 5. Như vậy, có nhiều dư địa và cơ hội đầu tư cho các phân khúc bất động sản khác nhau.
TP. Nha Trang - trái tim của Khánh Hòa - đang hướng mục tiêu đến năm 2040 trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; đô thị hạt nhân, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa.
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, trong 10 năm trở lại đây, TP. Nha Trang đã phát triển nóng, mật độ phát triển khu vực ven biển của Thành phố đã tăng rất cao, bắt đầu hình thành “bức tường cao ốc” dọc biển Trần Phú. Nhưng đồ án quy hoạch mới đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề này.
Theo đó, Khánh Hòa sẽ hạn chế cao ốc dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, mà khuyến khích xây dựng cao ốc ở khu vực sâu hơn trong đất liền. Hình thành các khu vực mới để tiếp tục thu hút đầu tư triển khai các dự án cao ốc, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, phát triển một đô thị ven sông Cái theo trục vuông góc với biển để các dự án phát triển 2 bên sông không những tạo được không gian sinh hoạt đô thị sông nước sầm uất, mà còn tạo được cơ hội cho các công trình cao tầng đều hưởng được tầm nhìn thoáng ra biển. Đây sẽ là khu vực thu hút đầu tư phát triển hấp dẫn trong tương lai.
“Ngoài ra, đường Võ Nguyên Giáp được nâng tầm thành trục đường huyết mạch quan trọng nhất theo hướng Đông - Tây của TP. Nha Trang trong tương lai, nối Diên Khánh với khu trung tâm mới ven biển của Nha Trang. Đường Võ Nguyên Giáp có tiềm năng đem lại hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như quy hoạch đô thị, đem lại nguồn lợi rất lớn với quỹ đất lớn ở hai bên đường”, KTS. Nam Sơn chia sẻ.
Đối với Khu kinh tế Vân Phong, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khu vực Vân Phong thời gian tới sẽ có bộ mặt hoàn toàn mới, trở thành đô thị biển sầm uất, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho tỉnh Khánh Hòa. Khu vực phía Nam sẽ tập trung phát triển cảng biển hàng hóa và trung chuyển quy mô nhỏ; các khu công nghiệp có hạ tầng kết nối bài bản. Khu vực phía Bắc, ngoài quỹ đất dự trữ cho việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, sẽ phát triển đô thị du lịch biển sinh thái cao cấp, gắn với việc bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, nâng cao đời sống người dân.
Hiện có 150 dự án, gồm 122 dự án trong nước và 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đăng ký đầu tư vào khu kinh tế này, tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 2,74 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều “ông lớn” đã “ngỏ ý” đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, trong đó, tại khu vực Bắc Vân Phong, có 5 tập đoàn, công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, sân bay, cảng biển, đô thị, như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Flamingo Holding Group.
Đối với Cam Lâm, đây sẽ là một đô thị nhiều kỳ vọng của Khánh Hòa. Mục tiêu là đưa Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế, trở thành đô thị hạt nhân vùng; cùng với TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong để tạo thành một tổng thể hài hòa, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu. Trong đó, sẽ được phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng xanh. Đồng thời, xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ tầm quốc tế, định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh…
Việc hoàn thiện loạt quy hoạch quan trọng đã mở ra một chương mới cho sự phát triển của Khánh Hòa và cũng tạo lực đẩy mạnh cho thị trường bất động sản, vốn rất giàu tiềm năng.