Trở lại khu vực các xã Tiền Phong và Đại Thịnh (huyện Mê Linh) hơn 1 năm sau khi Báo Đầu tư đăng tải bài viết “Bất động sản Mê Linh (Hà Nội): Chìm trong cơn ác mộng” (số ra ngày 11/5/2015), chúng tôi hy vọng về một sự thay đổi nào đó của thị trường bất động sản khu vực này, sau khi đường nối Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài với huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) được thông xe.
Nhưng thật đáng tiếc, hiện trạng các dự án bất động sản tại đây không mấy thay đổi so với thời điểm 1 năm trước. Cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhất vẫn phải kể đến Khu đô thị Hà Phong do Công ty cổ phần Hà Phong (gồm cổ đông chính là Pacific Corporation và Geleximco) làm chủ đầu tư. Người mua nhà tại đây có thể xây dựng nhà ở ngay. Nhưng cũng rất đáng tiếc, những người mua đất tại đây đa phần để đầu tư, nên số khách hàng chuyển đến sinh sống chỉ lác đác trong một khu vực rộng tới gần 42 ha của Dự án.
Khu đô thị Hà Phong hiện là khu đô thị có hạ tầng hoàn chỉnh nhất tại khu vực Mê Linh. Ảnh: Q.H |
Bên cạnh đó, Khu nhà ở Vĩnh Sơn - Rose Valley rộng 83 ha do Công ty cổ phần Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện khu vực sảnh bán hàng với nhà mẫu, cây xanh, đường nội bộ… đẹp mắt. Khu đô thị mới AIC rộng hơn 90 ha đã được chủ đầu tư xây dựng đường giao thông nội khu. Dự án Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và đã xây dựng nhà mẫu. Khu đô thị Cienco 5 cũng đã được Công ty xây dựng công trình 547 trải nhựa một phần hệ thống đường giao thông nội bộ, các khu đất đã san lấp mặt bằng được chia lô, sẵn sàng xây dựng khi chủ nhà có yêu cầu…
Tuy nhiên, nỗ lực của chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án bất động sản tại đây đã không tạo nên bước đột phá nào về giao dịch bất động sản cũng như thu hút khách hàng về ở tại khu vực dự án.
Tình hình kinh doanh không thuận lợi của các chủ đầu tư bất động sản tại Mê Linh khiến giá đất bình quân tại khu vực này chỉ ở mức 6 - 15 triệu đồng/m2. Cụ thể, tại Khu đô thị AIC, nhiều lô đất được chào bán với mức 8 - 12 triệu đồng/m2, Khu nhà ở Hoàng Vân 9 - 12 triệu đồng/m2, Khu nhà ở Ba Đình 7 - 10 triệu đồng/m2, Khu đô thị Cienco 5 giá 8 - 12 triệu đồng/m2...
Theo ông Trần Văn Dung, Trưởng văn phòng Môi giới bất động sản Dung - Huy (thị trấn Mê Linh), tình hình giao dịch bất động sản ở đây rất khó khăn. “Khách hàng đa số chào bán, số người mua có, nhưng không nhiều. Một vài người tranh thủ cơ hội giá thấp, mua để ở, nhưng số này rất ít”, ông Huy nói.
Mặc dù vậy, theo ông Huy, đây là cơ hội để những người có tích lũy tài chính “mỏng”, chấp nhận đi làm xa có thể thể mua đất làm nhà ở hoặc mua làm “của để dành”.
Thị trường bất động sản Mê Linh nổi lên từ đầu năm 2008, khi có thông tin Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (vào tháng 8/2008), nhưng chỉ 2 năm sau, năm 2010, các dự án rơi vào quên lãng khi giới đầu tư địa ốc tìm cách bán tháo nhiều dự án. Một số chủ đầu tư đã cố gắng cứu vãn thị trường khu vực Mê Linh bằng việc tiếp tục thi công xây dựng hạ tầng, cảnh quan, giảm giá bán…, song thị trường liên tục giảm giá và hầu như không có thanh khoản, dù đất nền biệt thự, liền kề ở đây được chào bán với giá thấp nhất so với các quận, huyện của Hà Nội (trên dưới 10 triệu đồng/m2, có hạ tầng cơ bản).
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2016 của Công ty TNHH Savills Việt Nam cũng không ghi nhận nguồn cung nhà ở mới tại Mê Linh. Thực tế này cho thấy, các chủ đầu tư không mặn mà với việc kinh doanh thời gian gần đây. Hàng chục dự án với hàng ngàn ha đất được quy hoạch là đất đô thị sẽ tiếp tục là “của để dành” trong nhiều năm tới, nhất là khi Đồ án quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài gần đó được dự báo sẽ là “tâm điểm” của thị trường bất động sản Hà Nội trong 5 - 10 năm tới.