Theo các nhà phân tích, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM sẽ gia tăng trong năm nay, đa phần đến từ cái bắt tay giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại.
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group mới cho biết, doanh nghiệp này đã bắt tay với một doanh nghiệp Nhật Bản để thành lập liên doanh phát triển dự án bất động sản.
Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Vietnam tin rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản sẽ tăng mạnh, bởi thị trường bất động sản đang có sức hút rất lớn. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực bất động sản cả nước thu hút 5.693 tỷ USD, chiếm 14,97% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) rất đáng kể, với nhiều thương vụ đã được ký kết gần đây.
“Bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực được ưa chuộng của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong những năm gần đây. Tôi cho rằng, trong năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chiếm tỷ lệ lớn như các năm trước”, ông Nguyễn Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ làm cơ cấu vốn phát triển bất động sản đa dạng, linh hoạt hơn và giảm sức ép từ việc siết vốn tín dụng hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam cũng luôn kèm theo các yêu cầu, tiêu chuẩn rõ ràng, nên các doanh nghiệp Việt cũng như các dự án sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, chất lượng cao hơn, minh bạch hơn, pháp lý đầy đủ hơn.
Do sự đổ bộ vốn lớn vào bất động sản, nên cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có nhiều tác động tích cực, giúp cho các chủ đầu tư trong nước ngày càng phải nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, sự minh bạch.
Thực tế, một số doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh với các chủ đầu tư nước ngoài ở phân khúc nhà ở cao cấp, điển hình như Novaland, Vinhomes, SonKim Land, Refico... Nhưng số lượng các đơn vị như vậy chưa nhiều. Những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, hạng sang phải chấp nhận phân khúc phù hợp riêng, như căn hộ hạng B.
Điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt là quỹ đất, am hiểu quy trình thủ tục pháp lý và linh hoạt trong tổ chức kinh doanh bán hàng. Nhưng điểm yếu của các doanh nghiệp nội khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài là vốn, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch về mặt pháp lý. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có dòng vốn lớn, họ chuẩn bị rất đầy đủ, chất lượng… đúng theo quy định pháp luật, nên khi công bố mở bán, các dự án do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư luôn thu hút sự quan tâm của người mua, dù mức giá cao.
Một khía cạnh khác là quản lý. Các dự án của chủ đầu tư nước ngoài như Keppel Land, CapitaLand, Phú Mỹ Hưng… luôn được quản lý với chất lượng dịch vụ cao và rất hiếm tranh chấp, xung đột quyền lợi (giữa chủ đầu tư - ban quản lý - cư dân).
Vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản không chỉ cạnh tranh, mà quan trọng hơn, đang thúc đẩy hợp tác thông qua các hình thức khác nhau, như M&A. Đây là xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Có thể kế rất nhiều ví dụ hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực bất động sản, như Nam Long hợp tác với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, rót vốn 8.000 tỷ đồng vào Dự án Mizuki Park rộng 26 ha; SonKim Land tiếp tục huy động thành công 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG; Phát Đạt ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd (Công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP.
Theo DKRA Vietnam, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, xu hướng hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh.