Ngành du lịch phục hồi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được thổi luồng sinh khí mới |
Tín hiệu lạc quan
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, tín hiệu phục hồi du lịch Đà Nẵng đang rất lạc quan. Lượng khách nội địa đã đạt gần bằng với thời điểm cao nhất của năm 2019. Trong khi đó, lượng khách quốc tế cũng đang quay trở lại. “Hiện nay, mỗi ngày có 3 - 4 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng. Dự kiến đến cuối tháng 6 là 7 chuyến/ngày và cuối tháng 7 là 18 chuyến/ngày. Đây là tín hiệu rất tốt của ngành du lịch Đà Nẵng”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ Đà Nẵng, mà lượng khách đến với các thành phố biển như Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định) cũng nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Phó chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion cho biết, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Nha Trang đã tăng đáng kể. Nhiều khu du lịch, điểm đến đạt công suất đến 90%.
Cùng với sự phục hồi của ngành du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được thổi luồng sinh khí mới.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Nga (Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội), chiến lược phát triển du lịch quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để bất động sản du lịch tăng trưởng trở lại sau thời gian dài đóng băng do Covid-19. Ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa sau gần 2 năm phòng chống dịch. Đây là tin vui, không chỉ riêng với ngành du lịch, mà còn mở ra cơ hội phục hồi bất động sản du lịch - phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
“Du lịch phát triển sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Sau thời gian đương đầu với nhiều khó khăn, năm 2022, loại hình bất động sản du lịch sẽ từng bước phục hồi mạnh. Chiến lược phát triển du lịch quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để phân khúc trên tăng trưởng trong tương lai”, bà Nga bày tỏ.
Tại khu vực miền Trung, hàng loạt nhà đầu tư lớn, với các dự án bất động sản du lịch nhiều tỷ USD đã được triển khai trong những năm gần đây, đi kèm là sự sang trọng và đẳng cấp về tiện nghi, về vị trí và quy mô.
Theo dõi và quan sát trong những tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Nga nhận định, khi Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, kinh tế có sự phục hồi trở lại, thị trường du lịch cũng đã khởi động ở mảng quốc tế. Đây là cơ hội tốt cho bất động sản du lịch vốn ngủ yên trong 3 năm qua bắt đầu khởi sắc trở lại.
Theo đó, ở mảng thị trường bất động sản du lịch có sự bùng nổ các dự án hàng ngàn tỷ của những “ông lớn”. Tại miền Trung như Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa… đều rầm rộ xuất hiện những dự án nghỉ dưỡng ven biển có vốn đầu tư hàng tỷ USD. Điển hình như Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Wonder City Van Phong Bay, do Công ty cổ phần Eurowindow Holding làm chủ đầu tư, với tổng diện tích gần 300 ha, vốn đầu tư khoảng 3.350 tỷ đồng. Đây là dự án nhắm đến phát triển du lịch biển, gồm khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, resort với nhiều loại hình giải trí cao cấp.
Hay Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định), do Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển, vừa công bố giai đoạn I rộng hơn 623,71 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Hoặc Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí NovaWorld tại Phan Thiết (Bình Thuận) của Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư, với quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD, dự kiến hình thành hàng trăm tiện ích quốc tế. Đáng chú ý, tập đoàn này tham vọng sẽ phát triển dự án thành một địa điểm du lịch chăm sóc sức khỏe cho khách nội địa và quốc tế.
Đặc biệt, tại Lâm Đồng, hàng loạt “ông lớn” cũng đổ bộ xin tài trợ lập quy hoạch các khu đô thị lớn. “Sự bùng nổ của các dự án nghỉ dưỡng siêu khủng được xem là nằm trong kịch bản đã được dự báo trước đó, do Việt Nam có lợi thế về khí hậu, vùng biển ấm, bãi biển đẹp và có nhiều tiềm năng cho phát triển khu sinh thái, rừng, khu bảo tồn còn hoang sơ, thu hút sự quan tâm của khách du lịch nội địa và quốc tế. Khi các siêu dự án nghỉ dưỡng về đích sẽ tạo sức hút cho ngành du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương”, bà Nguyễn Thị Nga nhận định.
Miền Trung có tiềm năng lớn về du lịch. Trong ảnh: Cầu Vàng tại Đà Nẵng |
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Theo các chuyên gia, Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong 5 năm tới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển du lịch; hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng du lịch, trong đó chú trọng dành nguồn lực công - tư thích hợp cho đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông, nhất là tại các khu, điểm du lịch; đầu tư khu lưu trú, dịch vụ du lịch…
PGS-TS. Trần Việt Dũng (Đại học Luật TP. HCM) cho rằng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phối kết hợp, hoàn thiện chính sách phát triển ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Để làm được điều này, theo ông Dũng, trước tiên cần khuyến khích kích cầu du lịch nội địa. Cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước và có các chính sách thu hút, kích cầu du lịch nội địa.
Bên cạnh những chính sách phát triển lễ hội văn hóa truyền thống, ông Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển các ứng dụng nền tảng du lịch, kết nối khách hàng nội địa với các nhà cung cấp dịch vụ, giới thiệu họ với các sản phẩm du lịch khác nhau, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch gắn liền với những trải nghiệm địa phương, có sự kết nối mật thiết từ nơi ở của khách du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, farmstay…) với văn hóa địa phương (trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương), qua đó cho họ cảm giác không bị “cô lập” khỏi những nơi họ ghé thăm trong một “bong bóng văn hóa”.
Vấn đề tiếp theo là cần hoàn thiệt chính sách phát triển hạ tầng du lịch. “Chính sách phát triển hạ tầng du lịch cần chú trọng thu hút các nguồn lực công - tư thích hợp cho đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông bằng nhiều hình thức tới các khu, điểm du lịch; đầu tư khu lưu trú, dịch vụ du lịch”, ông Trần Việt Dũng phân tích.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, cần phát triển quy hoạch tổng thể các khu vực mới có tiềm năng du lịch, từ đó phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư bất động sản du lịch cho khu vực; phát triển những khu du lịch mới xung quanh những công trình cũ, giữ lại các nguyên tắc của đô thị truyền thống, đồng thời tạo ra các điểm mới, mang lại năng lượng tích cực cho khu vực và các cơ hội mới cho nền kinh tế địa phương.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển bất động sản du lịch. Cần tập trung vào các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, về tiền thuê đất, về thuế và cả ưu đãi về tín dụng, khuyến khích đầu tư những tổ hợp bất động sản du lịch đa công năng quy mô lớn. Nhà nước cũng cần nghiên cứu áp dụng các chính sách tài trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.
Về nguồn huy động từ thị trường chứng khoán, cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật, tham khảo kinh nghiệm một số nước về phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp, hình thành quỹ tín thác cho bất động sản du lịch.