Ảnh minh họa. |
Du lịch khởi sắc
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các điểm du lịch từ Bắc tới Nam, như Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc... đều đón lượng khách ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), từ ngày 29/1 đến ngày 6/2/2022, cả nước đã đón khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, với tổng doanh thu từ khách hơn 25.000 tỷ đồng.
Trong đó, có một số điểm đến đang trở mình với lượng khách tăng đột biến như Tây Ninh đón lượng khách cao kỷ lục, khoảng 595.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú khoảng 65%; Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 420.000 lượt khách, công suất khách sạn 3-5 sao đạt 97%; Lâm Đồng đón gần 300.000 lượt khách, công suất phòng hơn 95%; Phú Quốc đón tiếp 79.000 khách, công suất phòng đạt 71,3%.
Tỉnh Lào Cai cũng đón lượng khách tăng 120% so với cùng kỳ. Trong đó, điểm đến thu hút đông đảo du khách nhất là Sa Pa với hơn 85.000 lượt khách. Theo đại diện Sun World Fansipan Legend, lượng du khách đến trải nghiệm dịch vụ tăng mạnh, với hơn 42.500 lượt khách, tăng hơn 330% so với cùng kỳ…
Những con số trên cho thấy mức độ sẵn sàng và tự tin của người dân khi đi du lịch trong trạng thái "bình thường mới". Bức tranh tươi sáng trong những ngày đầu năm cũng mang lại niềm vui cho các công ty, đơn vị lữ hành.
Tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng
Việc mở cửa du lịch trở lại không chỉ là tín hiệu vui cho ngành du lịch “hồi sinh”, mà còn giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch trở lại đường đua. Đặc biệt, các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường sẽ có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt.
Nói như ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tín hiệu vui từ dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển. Cộng thêm những "lực đẩy" khác như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng để đầu tư trong năm 2022.
“Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ. Những đại đô thị du lịch chất lượng cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc KDI Holdings cũng cho rằng, du lịch và nghỉ dưỡng đã trở thành một nhu cầu cơ bản của con người. Ở tầm nhìn dài hạn, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có sức hút lớn, bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tạo nên nhu cầu rất lớn về du lịch nghỉ dưỡng.
“Có thể thấy trước xu hướng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ngày càng gia tăng tại Việt Nam trong vài năm tới. Tuy nhiên, cũng cần chuẩn bị những kế hoạch mới, linh hoạt hơn, phù hợp hơn với trạng thái bình thường mới", CEO KDI Holdings nhận định.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường, ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Môi giới bất động sản Alpha (Alpha Real) cho biết, dịch bệnh bùng phát đã khiến mọi người quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Do đó, các dự án bất động sản đều lồng ghép yếu tố nghỉ dưỡng sức khỏe. Đã có nhiều chủ đầu tư nhanh tay nắm bắt, chuyển đổi qua mô hình bất động sản như vậy, đặc biệt các nơi chuyên nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang , Hạ Long...
“Mô hình trải nghiệm ‘tất cả trong một’ đang thu hút du khách, bởi hầu hết mọi người đều bận, di chuyển nhiều nơi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của họ. Do đó, chỉ cần đến nơi nào đó có quần thể là người ta hài lòng”, ông Hoàng Liên Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, quần thể nghỉ dưỡng như vậy phải được đầu tư bài bản bởi chủ đầu tư uy tín, để đáp ứng nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng của cả du khách trong và ngoài nước.