Chuyển động thị trường
Bất động sản nhà ở vùng ven sốt nóng
Lê Quân - 11/01/2022 08:21
Nếu nút thắt nguồn cung bất động sản nhà ở không sớm được tháo gỡ, kịch bản thị trường vùng ven tiếp tục sốt nóng là xu hướng khó tránh.
Bất động sản vùng ven ngày càng hút khách. Trong ảnh: Phối cảnh Dự án La Viena Valley tại Đà Bắc (Hòa Bình)

Vùng ven hút khách

Hiện tượng giá đất sốt nóng tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) gây bất ngờ với giới kinh doanh, bởi địa phương này được đánh giá có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế, đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn. Thế nhưng, nhờ lợi thế cảnh quan thiên nhiên, Dự án Khu đô thị La Viena Valley tại thị trấn Đà Bắc đã cháy hàng.

“Hầu hết trong số 169 lô đất nền tại Dự án La Viena Valley giai đoạn I đã được bán trong năm 2021. Hiện chỉ còn một số ít lô liền kề và shophouse từ chủ đầu tư dự án hoặc mua lướt lại từ các nhà đầu tư đã vào tiền cọc”, một nhân viên kinh doanh tại An Phát Group cho hay.

Theo nhân viên này, giá bán các lô đất nền tại La Viena Valley rơi vào ngưỡng 7-10 triệu đồng/m2. Ở thời điểm hiện tại, nếu mua lướt sóng, nhà đầu tư vẫn có thể lãi “2 giá” (2 triệu đồng/m2) trước thời điểm mở bán giai đoạn II, bởi giá bán giai đoạn II được kỳ vọng tăng cao hơn sau thành công của giai đoạn I.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung bất động sản nhà ở, chính quyền các địa phương cần cải thiện khung pháp lý, chủ động hỗ trợ nhiều nguồn đầu tư vào bất động sản hơn để tăng nguồn cung.

Được biết, hoạt động mở bán giai đoạn II với khoảng hơn 200 lô đất nền dự kiến diễn ra trong tháng 4/2022.

Sức hấp dẫn của Dự án La Viena Valley có cộng hưởng từ hạ tầng đồng bộ. Đáng kể, La Viena Valley ngay sát chân nút giao thứ 2 của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng - một dự án giao thông hứa hẹn đánh thức  tiềm năng phát triển bất động sản của Đà Bắc nói riêng, Hòa Bình nói chung. Dự kiến khi thông xe, một trục giao thông mới liên thông các tỉnh phía Tây Bắc sẽ hình thành, rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội - Hòa Bình. Bên cạnh đó, hoạt động giao thương các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La thông qua hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia cũng trở nên thuận lợi hơn, tạo lực đẩy cho bất động sản Đà Bắc.

Thực tế, một năm trở lại đây, không chỉ Đà Bắc, mà Lương Sơn, Kim Bôi và một số vùng đất khác của Hòa Bình đã ghi nhận giá đất tăng tới 3 lần.

Sốt do thiếu cung

Xu hướng ly tâm để dịch chuyển đầu tư về những vùng đất mới, bên cạnh thị trường truyền thống như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã diễn ra nhiều năm nay. Các địa phương lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình và Quảng Ninh (miền Bắc); Nghệ An (miền Trung); Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (miền Nam) đã ghi nhận giá đất không ngừng tăng lên.

Bất động sản nhà ở vùng ven bị đẩy giá có nguyên nhân do thiếu nguồn cung. Với thị trường Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là một trong những địa phương chứng kiến giá bất động sản bị đẩy lên bất thường.

“Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng”, ông Đính nhận định.

Bên cạnh đó, kỳ vọng sản phẩm sau đầu tư sẽ tăng giá đang là “ma lực” kéo nhà đầu tư về thị trường vùng ven. Theo bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, nhà đầu tư quyết định xuống tiền thường nhìn vào những yếu tố trong tương lai chứ không phải là những thuận lợi hiện tại. Bất động sản trong nội thành không phản ánh tất cả những lợi thế tiềm năng vào giá, vậy nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến những nơi mà nhà đầu tư tin rằng sẽ có những sự thay đổi căn bản trong tương lai.

Về phía các nhà phát triển dự án cũng đang mở rộng đầu tư bằng cách săn quỹ đất ở những đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Các quỹ đất lớn được họ cân nhắc để tính toán mở rộng khu đô thị về sau, đặc biệt là quỹ đất dọc theo tuyến cao tốc, tuyến đường ở các thành phố có đường biển dài.

Dự báo về phân khúc bất động sản nhà ở, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, ông Neil MacGregor cho rằng, trong năm 2022, các khu đô thị sẽ phát triển mạnh. Các tỉnh xung quanh TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã xuất hiện một số khu đô thị lớn được hình thành trong những năm qua. “Đây tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, khi mà nguồn cung bất động sản nhà ở tại TP.HCM đang quá thiếu hụt, do đó các nhà đầu tư và đơn vị phát triển bất động sản sẽ chuyển sang tìm kiếm những khu đô thị vệ tinh, khi có đủ kết cấu hạ tầng làm cầu nối giữa các khu vực này với thành phố lớn, nơi làm việc của họ”, ông Neil MacGregor nhận định.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung bất động sản nhà ở tại các thành phố và những tỉnh lân cận, điều quan trọng mà chính quyền địa phương cần tháo gỡ là tiếp tục cải thiện khung pháp lý, chủ động hỗ trợ nhiều nguồn đầu tư vào bất động sản hơn, bao gồm khung kế hoạch để các dự án diễn ra đúng thời hạn.

“Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn bong bóng kinh tế xuất hiện, dẫn nhiều nguồn cung vào thị trường hơn, cũng như khuyến khích nhiều nguồn FDI đầu tư vào ngành bất động sản. Khi điều này xảy ra, người mua, chủ đầu tư và chủ sở hữu bất động sản sẽ có nhiều sản phẩm để chọn lựa hơn”, ông Neil MacGregor lưu ý.

Riêng với Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, lãnh đạo địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những “đại bàng lớn” sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản.

Tin liên quan
Tin khác