Cuối năm, dự án bất động sản dồn dập đổi chủ
Đầu tháng 12 vừa qua, thị trường M&A trong lĩnh vực bất động sản ghi nhận thêm một thương vụ mới. Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) chính thức mua lại Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Bình Chánh (BCI).
Điều này đồng nghĩa với việc Khang Điền thu gọn về tay quỹ đất lớn của BCI ở phía tây Sài Gòn, với tổng diện tích đất đã đền bù 367 ha trên tổng số 667 ha toàn danh mục dự án. Với cách làm của Khang Điền, sự bùng nổ dự án bất động sản khu vực này sẽ rất gần.
Các dự án bất động sản khu vực trung tâm sẽ tiếp tục được giới đầu tư săn tìm trong năm 2016. Ảnh: Đức Thanh |
Cùng thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đang thực hiện lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu lên 45% tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) bằng phương thức chào mua công khai với giá tối thiểu 27.000 đồng/cổ phiếu. Theo giao kết, CII và NBB sẽ hợp tác phát triển dự án bất động sản, trong đó NBB là đơn vị phát triển và xây dựng, CII là đơn vị hỗ trợ tài chính, khai thác sản phẩm, dịch vụ của NBB.
Ngoài hai dự án kể trên, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Land cũng tiết lộ, để chuẩn bị cho thị trường bất động sản năm 2016, Hưng Thịnh Land mới mua thành công 10 dự án tại TP.HCM. Trong số đó, có một dự án tại Quận Tân Bình với giá 600 tỷ đồng để xây dựng căn hộ cao cấp.
Đồng thời, Hưng Thịnh đã bắt tay với Công ty cổ phần Cơ khí - Xây dựng Bình Triệu đầu tư Dự án Khu dân cư Bình Triệu.
Trước đó, vào tháng 9/2015, Hưng Thịnh đã chi tiền tỷ để mua 100% Dự án chung cư Bàu Sen tại TP.Vũng Tàu của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (UDEC) để đầu tư hoàn thiện với tên mới là Vung Tau Melody.
Ngoài những dự án đã được mua bán, sáp nhập thành công, thị trường cũng nóng lên với các đợt săn lùng dự án có đất sạch, thủ tục đầy đủ để thực hiện thương vụ M&A từ các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Đơn cử, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam đang tích cực tìm mua những dự án có quỹ đất cũng như thủ tục pháp lý đầy đủ để phát triển dự án. Trước đó, BID đã ký kết với Sở Giáo dục TP.HCM về việc xây dựng nhà ở cho giáo viên tại TP.HCM.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cũng tiết lộ về kế hoạch mới một doanh nghiệp của Nhật Bản, sau khi mua lại một dự án của Công ty Saigon Tourist, trong đó có 2 dự án đất tại đường Phổ Quang, quận Tân Bình để xây dựng văn phòng và nhà cho thuê, đang tiếp tục tìm những dự án trong trung tâm thành phố để mua lại để hực hiện dự án văn phòng, nhà cho thuê.
Cũng phải nói thêm, ngoài những thương vụ M&A được công bố hay những doanh nghiệp đánh tiếng muốn mua lại dự án, thị trường M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận những thương vụ ngầm, không được công bố rộng rãi như Công ty Địa ốc Him Lam đã mua lại khá nhiều dự án bất động sản. Mới đây nhất, Công ty này đã chi 1.050 tỷ đồng để mua lại dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại quận Thủ Đức và mua lại một dự án có quy mô khá lớn tại Quận 2, TP. HCM. Địa ốc Him Lam dự kiến sẽ triển khai xây dựng để có sản phẩm bán trong năm 2016.
Làn sóng thứ hai toàn dự án cũ
Năm 2016 là năm giữa của giai đoạn 2014 - 2018, thời điểm thị được nhận định là sẽ có làn sóng thứ hai trong M&A bất động sản với tổng giá trị dự báo lên đến 20 tỷ USD. Con số này rất cao so với kỷ lục gần 5 tỷ USD được xác lập ở làn sóng thứ nhất, từ 2012-2014.
Bởi vậy, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, các động thái M&A hiện tại là tích cực. Nhất là khi có sự chuyển dịch dự án đã có đủ điều kiện khởi công từ nhà đầu tư đang gặp khó khăn sang các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho là cách tốt nhất để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường bất động sản. Lượng hàng tồn kho trên thị trường theo thống kê của 36 dự án năm 2012 đến hết tháng 06/2015 đã bán được 8.501 căn, giảm 58,67 %. Trong khi đó, phía bên mua có thêm nhiều sản phẩm mới với mức giá hợp lý.
Có thể hình dung, các dự án này là điểm nhấn cho thị trường bất động sản năm 2016 với xu hướng khá rõ nét là vẫn tập trung vào thương mại bán lẻ, văn phòng, công nghiệp và du lịch.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Land thừa nhận, các dự án bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính không thể triển khai tiếp được nhưng nằm tại trung tâm thành phố, đã có giấy phép xây dựng và pháp lý đàng hoàng đang được săn đón. Với các dự án này, chủ sở hữu mới sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn của giai đoạn làm thủ tục đăng ký cấp mới và đền bù giải tỏa mặt bằng.
Đặc biệt, ông Võ Văn Hữu Phước, Giám đốc Bộ phận Định giá & Nghiên cứu Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản, nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước... đã khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn các tập đoàn quốc tế và khu vực.
“Cushman & Wakefield đã làm việc với nhiều nhà đầu tư Nhật và Singapore có nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Họ kỳ vọng mức tỷ suất lợi nhuận là 9 - 10% cho các dự án bất động sản tốt, chủ yếu tập trung vào các bất động sản thương mại đang hoạt động. Theo chúng tôi, mức kỳ vọng này là phù hợp với các giao dịch đã thành công trong thời gian gần đây”, ông Phước phân tích.
Cũng theo ông Phước, thị trường M&A năm 2016 tại Việt Nam dự đoán sẽ nhộn nhịp hơn với quy định nới rộng sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực và cam kết cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Việc gia nhập TPP cũng góp phần giúp Việt Nam đón lượng lớn vốn đầu tư thông qua các thương vụ M&A nhanh và nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp…
Tuy nhiên, ông Châu lại lo ngại về cơ cấu dự án trong các thương vụ M&A hiện tại.
“Phần lớn dự án được mua bán có vị trí tại trung tâm thành phố, có thể triển khai ngay. Trong khi đó, chưa thấy dự án nào mới tại những quận vùng ven được công bố, chưa thấy có quỹ đất nào mới mở cho thị trường.Trong vòng 1 năm tới, khi thị trường hết dự án tồn đọng, mà không có quỹ đất thì sẽ ra sao?”, đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam lo ngại.