Thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven đã giảm nhiệt. |
Cuộc “tháo chạy” ra vùng ven
Từ năm 2018, khi thị trường bất động sản TP.HCM bị siết cấp phép dự án, các doanh nghiệp địa ốc chuyển về các tỉnh lân cận để phát triển dự án mới.
Những dự án này chủ yếu đến từ các phân khúc đất nền, nhà phố, biệt thự. Đơn cử, Novaland triển khai dự án Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và dự án Aqua tại Đồng Nai; Hưng Thịnh Corp mở bán dự án tại tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; An Gia Investment mở bán dự án tại TP. Vũng Tàu; Asian Holding mở bán dự án tại tỉnh Bình Phước; Cát Tường Group mở bán dự án tại Bình Phước và An Giang; Nam Long mở bán dự án tại Long An…
Việc tiến ra vùng ven đã giúp các doanh nghiệp duy trì được hệ thống kinh doanh của mình, nhân viên môi giới bất động sản có hàng để bán. Còn các địa phương đẩy mạnh được thị trường bất động sản, có nguồn thu ngân sách, người dân có lượng hàng mới để mua.
Giá bất động sản các tỉnh vì thế tăng mạnh. Đầu năm 2018, giá đất tại Long An chỉ từ 6 đến 12 triệu đồng/m2, thì tới đầu năm 2019, đã tăng từ 12 đến 19 triệu đồng/m2.
Tại Đồng Nai, giá đất trong quý I/2018 từ 9 đến 15 triệu đồng/m2, thì tới đầu năm 2019 đã tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Năm 2018, giá chung cư tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) là 23 triệu đồng/m2, thì quý I/2019 đã tăng lên 30 triệu đồng/m2…
Tuy giá cao, nhưng khách hàng vẫn đổ xô vào mua. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp Đất Xanh, Phú Đông Group, Hưng Thịnh Corp, mỗi dự án hàng ngàn sản phẩm, khi mở bán, chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng đã hết hàng. Trong khi tại TP.HCM, một dự án chỉ có 600 sản phẩm, phải bán với thời gian lên tới 6 tháng.
Giảm nhiệt
Hiện tại, thị trường bất động sản hầu hết các tỉnh vùng ven đã giảm nhiệt. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long cho biết, sau thời gian sôi động, từ cuối quý II/2019, các dự án đã trầm lắng, bán rất chậm. Thậm chí có dự án ở Bình Phước chỉ hơn 200 căn nhà phố, nhưng bán mấy tháng vẫn chưa hết hàng.
Nhiều dự án tại Bình Dương cũng trong cảnh lượng hàng bán rất ì ạch, như dự án Phú An Garden tại huyện Bầu Bàng, bán từ tháng 5/2019, nhưng ghi nhận từ các sàn giao dịch cho thấy, mỗi tháng chỉ bán được vài nền đất, nhà phố.
Một điểm nữa cho thấy sự chững lại của thị trường, đó là hiện nay, những dự án lớn dù đã bán hết hàng, nhưng khi khách hàng chuyển nhượng lại sản phẩm đã mua thì không dễ.
Ông Nguyễn Văn Long, ngụ tại quận 9, TP.HCM cho biết, cuối năm 2018, ông mua 2 lô đất nền tại dự án ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) với giá 1,5 tỷ đồng/nền. Từ tháng 6/2019, ông bắt đầu chào bán lại sản phẩm dự án này (đã có sổ đỏ từng nền đất), thế nhưng vẫn chưa thể bán được, thậm chí chấp nhận bán giá gốc vẫn không ai mua.
Lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản vùng ven đang sôi động lại trở lên trầm lắng, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, có 3 lý do chính:
Thứ nhất là, thị trường tỉnh lẻ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận các dự án bất động sản lớn. Để có thể phát triển bất động sản thì thị trường tỉnh phải chuẩn bị nhiều thứ như hạ tầng kết nối vào TP.HCM, các tiện ích khu vui chơi, giải trí, mua sắm, bệnh viện, trường học… song thị trường tỉnh lại đang thiếu những điều này.
Thứ 2 là, quỹ đất của các tỉnh lẻ vẫn còn lớn, nhu cầu mua nhà ở các dự án bất động sản chưa nhiều, khách mua chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp, chứ khách địa phương mua ở thực không nhiều.
Thứ ba là, mức giá bán tại các dự án bất động sản tăng mạnh, trong khi đó, lượng tiền của người dân tỉnh lẻ không nhiều. Với giá mỗi mét vuông đất dự án cao gấp đôi, gấp ba giá đất bên ngoài dự án, thì khách hàng sẽ chọn mua ở bên ngoài, thay vì mua đất dự án.
Đó là chưa kể, khi thị trường sốt nóng, đã xuất hiện nhiều dự án “ma”. Đơn cử, tại Long An, lãnh đạo tỉnh này vừa điểm danh hàng loạt dự án “ma” được mở bán của Hưng Thịnh Cát Tường, Đất Xanh Long An, Bella Vista… Các dự án chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng, đất chưa đền bù giải tỏa xong, nhưng chủ đầu tư đã tự ý phân lô, làm hạ tầng để bán. Điều này cũng góp phần khiến thị trường chững lại, vì người mua cảnh giác, không vội xuống tiền.