Giá nhà mới bán ra tại 70 thành phố lớn, bao gồm cả phân khúc nhà ở xã hội đã tăng 0,13% trong tháng 3 so với tháng trước đó, theo số liệu vừa được Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố. Tăng trưởng giá nhà trong tháng 2 tại Trung Quốc gần như “đứng yên” khi chỉ nhích 0,02%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2015, khi thị trường bất động sản nơi đây bắt đầu trỗi dậy sau cả năm đi xuống.
Trung bình giá nhà tại thị trường thứ cấp, vốn không chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý, tăng 0,5% sau khi giảm trong tháng 2.
“Việc nhu cầu nhích nhẹ theo hướng tính cực là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và cuộc sống của người dân bắt đầu bước vào guồng quay thường nhật”, Kong Peng, người đứng đầu cơ quan thống kê Trung Quốc nhận định.
Dù giá nhà mới nhích nhẹ, nhưng nhu cầu trên thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, phải kể tới việc các hoạt động mua - bán diễn ra sôi nổi, nhanh chóng phục hồi sau khi các nhà phát triển bất động sản tiến hành mở bán trở lại. Số lượng các căn hộ mới được bán ra tăng gấp 3 lần trong tháng 3 so với tháng 2 tại 27 thành phố lớn, theo số liệu của E-house China Holdings Ltd. Tất nhiên, con số này tăng mạnh một phần vì tháng 2 là thời điểm đại dịch đang diễn ra tại Trung Quốc nên nhiều hoạt động xem nhà, giao dịch bất động sản bị đình trệ.
Hiện tại, tranh thủ thị trường mở cửa trở lại, các nhà phát triển bất động sản đang tung nhiều chương trình để thúc đẩy doanh số. Theo Raymond Cheng, chiến lược gia tại CGS-CIMB Securities, các nhà phát triển bất động sản lớn tại Đại lục đang đẩy mạnh các hoạt động trên kênh thương mại điện tử, chào mời mức giảm giá khi giao dịch qua sàn online lên tới 5 - 10% giá trị bất động sản.
Thị trường bất động sản Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có thể phục hồi nhanh chóng bởi nhu cầu luôn hiện hữu. Tuy nhiên, theo báo chí, việc đại dịch xuất hiện sẽ không làm thay đổi quan điểm của giới chức quản lý về việc nhà phục vụ nhu cầu sống thực, không phải để đầu cơ, do đó đà tăng giá sẽ có phần hạn chế.
Đáng chú ý, một số khu vực tại Trung Quốc đối diện rủi ro phải phong toả lại một lần nữa khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng, tạo thành làn sóng thứ hai. Nếu điều này diễn ra, S&P Global Ratings nhận định, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ bị tác động trực diện và tổn thất nặng như thời điểm khủng hoảng tài chính 2008.