Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP |
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào năm 2024, trong khi các "đồng nghiệp" châu Âu muốn sớm thoát khỏi gói kích thích thời đại dịch Covid-19. Tại Vương quốc Anh, phần lớn các nhà hoạch định chính sách tiền tệ bày tỏ quan điểm "diều hâu", chỉ một số ít ủng hộ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 14/12 vừa qua.
Fed dự kiến cắt giảm lãi suất trong 3 năm liên tiếp
Fed đã chuyển hướng chính sách tiền tệ với việc đảo ngược các đợt tăng lãi suất mạnh nhất thời gian qua sau khi ngăn chặn lạm phát kỷ lục mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Với lạm phát suy giảm và nền kinh tế đang ổn định, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed - đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất cơ bản ổn định trong ngưỡng từ 5,25 - 5,5% tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 12 - 13/12.
Sau động thái giữ nguyên lãi suất, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, lưu ý rằng các quan chức Fed đã sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất nếu áp lực giá quay trở lại. Chủ tịch Fed và các đồng nghiệp đã đưa ra dự báo về một loạt đợt cắt giảm lãi suất có thể xảy ra trong vài năm tới.
Cụ thể, các thành viên FOMC đã đưa ra ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 với mỗi đợt dự kiến giảm 0,25 điểm phần trăm, theo đài truyền hình Mỹ CBS.
Biểu đồ Dot Plot (biểu đồ chấm) - công cụ dự báo chính sách tiền tệ của Fed - chỉ ra 4 đợt cắt giảm lãi suất nữa vào năm 2025, hoặc đủ 1 điểm phần trăm. Trong năm 2026, dự kiến sẽ có 3 đợt cắt giảm nữa, kéo lãi suất liên bang giảm xuống ngưỡng 2 - 2,25%, gần bằng với triển vọng dài hạn.
Cần lưu ý rằng chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên trong tháng 11 do giá nhà ở và chi phí trong lĩnh vực dịch vụ khác tăng, khiến lạm phát đủ sức để ngăn chặn bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào của Fed trong thời gian tới.
Châu Âu đặt cược vào làn sóng cắt giảm lãi suất
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ hai liên tiếp trong bối cảnh lạm phát suy giảm. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết họ sẽ tăng tốc để sớm thoát khỏi gói kích thích kinh tế trị giá 1,7 nghìn tỷ Euro (tương đương 1,8 nghìn tỷ USD) trong thời kỳ đại dịch Covidd-19.
Các quan chức ECB khẳng định, họ sẽ đẩy nhanh việc kết thúc tái đầu tư theo chương trình mua vào trái phiếu PEPP. Điều này sẽ đặt tất cả các công cụ chính sách vào chế độ thắt chặt, ngay cả khi những dự báo mới cho thấy nền kinh tế yếu hơn làm giảm triển vọng lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Anh cũng quyết định giữ nguyên lãi suất vốn đang ở mức cao nhất trong 15 năm, đồng thời đưa ra thông điệp rằng chi phí lãi vay sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian mặc dù ngày càng đặt cược vào làn sóng cắt giảm vào năm 2024.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey, nêu trong một tuyên bố đưa ra cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất rằng cuộc chiến kiểm soát lạm phát “vẫn còn chặng đường phía trước”.
Nền kinh tế Anh trong tháng 10 đã suy giảm sâu hơn dự báo do chi phí lãi vay tăng cao và thời tiết bất lợi. Kết quả này có thể khiến nền kinh tế Anh phải hứng chịu một quý trì trệ nữa mà nhiều người dự báo sẽ kéo dài đến năm 2024.
Nền kinh tế Anh được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng thấp nhất trong quý IV/2023, trong bối cảnh chưa ngấm tác động từ các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương. Thậm chí, nền kinh tế này được dự đoán có thể bắt đầu bước vào một cuộc suy thoái nông.
Kỳ vọng Trung Quốc hạ lãi suất năm 2024
Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, đã tuyên bố sẽ đặt chính sách công nghiệp làm ưu tiên kinh tế hàng đầu trong năm tới. Điều này gây thất vọng cho các nhà đầu tư đang kỳ vọng về các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng, bởi ưu tiên hỗ trợ các nhà sản xuất sản phẩm có giá trị cao cộng với việc kích thích chi tiêu của người dân, khó có thể thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong tháng 11 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm - lãi vay tham chiếu cho các khoản vay của doanh nghiệp và hộ gia đình - được giữ nguyên ở mức thấp kỷ lục 3,45%, còn lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm - lãi suất tham chiếu cho các khoản thế chấp - được ấn định ở mức 4,2% trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Trung Quốc là ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ để vực dậy nền kinh tế bị suy giảm. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất hơn nữa sẽ làm tăng khoảng cách lợi suất với Mỹ, có nguy cơ mất giá đồng nhân dân tệ và dòng vốn rời thị trường. Một số nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm 20 điểm cơ bản lãi suất cho vay vào cuối quý I/2024.
Tại Singapore, tờ Straits Times dẫn báo cáo cuối tháng 11 của Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cho biết khoản nợ của người dân đã giảm mạnh do lãi suất cao không khuyến khích họ vay thêm các khoản mới và tăng trưởng thu nhập ổn định đã giúp họ trả hết các nghĩa vụ nợ của mình.
Trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính năm 2023, Ngân hàng Trung ương Singapore cho biết tổng nợ hộ gia đình tại nước này đã giảm trong quý thứ 8 liên tiếp xuống còn 1,2 lần thu nhập cá nhân khả dụng trong quý III/2023, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Các hộ gia đình ở Singapore đã thận trọng khi vay thêm do lãi suất tăng cao kể từ nửa cuối năm 2022. Lãi suất ở Singapore, được đo bằng lãi suất trung bình qua đêm gộp kỳ hạn 3 tháng và được tham chiếu để định giá các khoản vay bao gồm cả thế chấp, đã tăng lên hơn 3,5% trong nửa cuối năm 2023, từ mức dưới 0,5% trong nửa đầu năm 2022.
Hệ qua là các khoản cho vay cá nhân - chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ của hộ gia đình ở Singapore, đã ghi nhận mức giảm sâu nhất.
Các chuyên gia được Ngân hàng Trung ương Singapore khảo sát trong tháng này đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore năm 2023, nhưng hạ thấp triển vọng năm 2024 với cảnh báo rủi ro từ suy thoái bên ngoài.
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP trung bình của Singapore đạt 1,0% trong năm 2023. Con số này không thay đổi so với cuộc khảo sát hàng quý trước đó.
Mặt khác, lạm phát của Singapore được cho là sẽ tiếp tục giảm còn 3,4% vào năm 2024, từ mức ước tính 4,8% trong năm 2023. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ tập trung vào tỷ giá hối đoái, bởi nó vốn được coi là công cụ hiệu quả để duy trì sự ổn định giá cả ở nền kinh tế này.
Các thị trường mới nổi sẽ có những động thái trái ngược
Lạm phát của Brazil đã giảm về phạm vi mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra, trước khi họ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư liên tiếp trong tuần này.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Brazil đã cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, xuống còn 11,75%.
Các quan chức Ngân hàng Trung ương Brazil đang thực hiện kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ một cách "lặng lẽ" và "vừa phải" do lạm phát được dự đoán sẽ giảm về ngưỡng mục tiêu vào cuối năm nay, đánh dấu lần đầu tiên đạt mục tiêu kể từ năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Brazil trong tháng 11 đã tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước, sát với dự báo của các nhà phân tích với Bloomberg. Chỉ số này chỉ nhích 0,28% so với tháng 10.
Ngân hàng Trung ương Brazil đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là 3,25% với phạm vi dung sai cộng hoặc trừ 1,5 điểm phần trăm.
Trong khi đó, lạm phát của Argentina tăng trên 160% trong tháng 11. Điều này có khả năng đẩy nhanh tốc độ tăng giá hơn bao giờ hết trong tháng 12. Theo công ty tư vấn C&T Asesores, trong những ngày đầu tháng 12, Argentina chứng kiến giá cả tăng 15% so với một tháng trước đó và có thể kết thúc tháng này với mức tăng khoảng 20%.
Ngoài các ngân hàng trung ương lớn, Ngân hàng Trung ương Na Uy đã thúc đẩy đợt tăng lãi suất lần cuối trong năm, trong khi Nga cũng có động thái tương tự. Trong khi Mexico, Pakistan, Philippines và Thụy Sĩ giữ nguyên lãi suất, thì Brazil, Peru và Ukraine quyết định hạ lãi suất.