- Thị trường chứng khoán trước biến số lãi suất
- Ngân hàng nín thở ngóng room, nới tay với chứng khoán song vẫn siết tín dụng bất động sản
- Quý II/2022, lợi nhuận Chứng khoán Agribank giảm 91,6%, về còn 21,54 tỷ đồng
- Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp về room tín dụng, quyết bình ổn tỷ giá
- Quý II/2022, lợi nhuận Tisco giảm 90,1% về 5,79 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm
VN-Index không níu được sắc xanh, cổ phiếu thép tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,92 điểm (-0,25%) xuống 1.179,25 điểm. Trước đó, trong phần lớn phiên giao dịch, chỉ số sàn HoSE đều tăng điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,12%) xuống 284,4 điểm. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,15%) lên 87,32 điểm.
Mức giảm của sàn chứng khoán Việt Nam vẫn khá khiêm tốn so với nhiều thị trường như chỉ số chứng khoán sàn Thâm Quyến (-1,52%), Thượng Hải (-1,64%), Hồng Kông (-2,19%),…
Thị trường trong nước để mất điểm ở những phút cuối phiên nhưng tính chung toàn thị trường số lượng mã tăng giá vẫn áp đảo. Trên ba sàn, có 439 mã tăng, 77 mã tăng trần; trong khi chỉ có 370 mã giảm và 17 mã giảm sàn.
HPG là trụ cột quan trọng nhất nâng đỡ thị trường. Cổ phiếu ông lớn ngành thép tăng 4,5% và góp gần 1,53 điểm tăng cho VN-Index. Loạt cổ phiếu ngành thép cũng tăng giá mạnh như TIS (+3,4%), SMC (+2,1%), NKG (+2,1%), HSG (+1,1%)… Diễn biến trên khá bất ngờ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của nhóm doanh nghiệp này được dự báo sẽ khá tiêu cực. Theo báo cáo quý II/2022 vừa công bố, lợi nhuận Tisco giảm tới 90,1% về 5,79 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm. Chính chủ tịch Hòa Phát cũng từng cho biết kết quả kinh doanh sẽ “thê thảm” vì ngành thép không thuận lợi. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngành thép cũng đã lao dốc suốt thời gian dài vừa qua.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tài chính không còn duy trì được trạng thái tích cực như vài phiên liền trước. Nhóm chứng khoán, bảo hiểm giảm khá mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index lại là nhóm tiêu dùng như GAS, MSN, VNM, MWG,…
Khối ngoại lại bán ròng chứng chỉ quỹ ETF VN Diamond
Điểm tích cực là thanh khoản có nhích lên. Nhóm cổ phiếu thép hút tiền, trong đó riêng giao dịch cổ phiếu HPG đạt trên nghìn tỷ đồng, đã giúp thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE còn 11.379 tỷ đồng so với mức 9.919 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân gần 10.000 tỷ đồng ở tuần trước. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt trên 15.280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại sau phiên mua ròng hôm qua. Trên ba sàn, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 533 tỷ đồng. Khối ngoại mua vào 31 triệu cổ phiếu, trị giá 752,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 47,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.285 tỷ đồng.
Chứng chỉ quỹ ETF VN Diamond bị bán ròng tới 258,6 tỷ đồng, chiếm tới phân nửa giá trị mua ròng trong phiên hôm nay. Trong khi đó, HPG được mua ròng gần 68 tỷ đồng và là cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất. Dủ giá trị mua của khối ngoại chỉ chiếm chưa đến 15% giá trị giao dịch, lực cầu từ khối ngoại cũng có vai trò đáng kể trong phiên hồi phục mạnh của HPG hôm nay.