Cải cách lớn
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh một cải cách lớn là dự thảo luật đã thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cụ thể là chỉ những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mới phải lập ĐTM.
Lần sửa đổi này, dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng của ĐTM như quy định về lộ trình đến ngày 1/7/2023 các tổ chức thực hiện ĐTM phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề; giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
Điểm mới nữa là không quy định về việc phê duyệt báo cáo ĐTM và thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển…
"Rất là trái nguyên tắc"
Bày tỏ sự bất ngờ với một số quy định mới tại dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích: dự thảo giao cho công chức cấp xã, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, … được xử lý vi phạm hành chính là rất trái nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) giao công chức cấp xã, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, … được xử lý vi phạm hành chính là rất trái nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
Tiếp đó, việc quy định cho phép giữ lại một phần hoặc toàn bộ số tiền xử phạt, tiền phạt tại các cơ quan, tổ chức để duy trì hoạt động bảo vệ môi trường nhằm huy động sự tham gia của các lực lượng này trong phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường mà không nộp vào ngân sách là hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh các hình thức xử phạt, dự thảo luật bổ sung việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác để xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường như: biện pháp lao động công ích (theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã áp dụng); giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quy định biện pháp lao động công ích như trên là trái với Hiến pháp, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng khẳng định và đề nghị cần thận trọng với các quy định mới để không trái với nguyên tắc của các luật hiện hành.
Ngoài ra, ông Tùng cũng lưu ý việc dự thảo luật đã bổ sung đối tượng chịu thuế là chất thải vào thuế bảo vệ môi trường và quy định lộ trình chuyển đổi một số loại chất thải từ phí sang thuế bảo vệ môi trường là khác hẳn đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường tại luật Thuế bảo vệ môi trường. Luật này đang quy định đối tượng chịu thuế rất cụ thể, ông Tùng nhấn mạnh.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cần hết sức lưu ý những quy định liên quan đến thuế, phí, ngân sách... để đảm bảo tính khả khi khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.