Thời sự
Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ mới ngay trong tháng 4
Hoàng Thùy - 18/03/2016 22:09
Chiều 18/3, tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 11, ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp khai mạc vào ngày 21/3 và dự kiến bế mạc vào 12/4.

Trong 19 ngày làm việc, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, quyết định nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là kiện toàn công tác nhân sự Nhà nước.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: HT

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ mới

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội dành 10 ngày rưỡi (từ 31/3 đến 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhân sự được bầu lại lần này gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Riêng cơ quan bộ, ngang bộ sẽ chờ Thủ tướng trình.

Giải thích lý do có sự chuyển giao quyền lực sớm hơn 3 tháng so với quy định, ông Phúc nói: "Một số chức danh sau Đại hội Đảng không tham gia Trung ương khóa mới, trong khi chúng ta đang tiến hành bầu cử Quốc hội khóa 14 và đến tháng 7 mới diễn ra kỳ họp thứ nhất. 2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu 5 năm của Đại hội Đảng khóa XII (2016-2021) nên cần động lực mới, khí thế mới để thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ".

Theo Tổng thư ký Quốc hội, đây không phải là vấn đề mới, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 11 đã kiện toàn chức danh lãnh đạo nhà nước, như: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Lúc đó, ông Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Sinh Hùng được Quốc hội phê chuẩn bầu chức danh Phó thủ tướng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về số lượng đơn từ nhiệm của các chức danh chuẩn bị được bầu lại, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhiệm kỳ của các chức danh là 5 năm nhưng trong 5 năm đó, Quốc hội vẫn có quyền bãi nhiệm. Điều 10 của Luật tổ chức Quốc hội quy định người từ nhiệm phải có đơn, nhưng điều 11 lại nói rõ theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền bầu chức danh đó thì Quốc hội có quyền miễn nhiệm. 

"Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội có quy trình. Phê chuẩn thành viên Chính phủ cũng vậy, dù một hay nhiều người cũng phải theo đúng quy định. Nếu đầu nhiệm kỳ chỉ bầu và phê chuẩn mới thì kỳ này phải thực hiện cả hai việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn, do đó cần có tờ trình, cho ý kiến, bỏ phiếu, kiểm phiếu…", ông Phúc giải thích về việc Quốc hội dành tới 10,5 ngày để làm công tác nhân sự.

Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra vào cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương Đảng XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Làm đại biểu Quốc hội không chỉ có hát hay

Trước việc có nhiều văn nghệ sĩ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng điều đó rất tốt và chứng tỏ các văn nghệ sĩ rất yêu quý Quốc hội. Tuy nhiên, ứng cử vào Quốc hội là chuyện khác, làm đại biểu Quốc hội không chỉ có hát hay mà phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực như lập pháp, kinh tế, xã hội... để có năng lực tham gia vào các dự án luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để đi giám sát, tiếp xúc cử tri...

"Đại biểu nào mà có năng lực như thế thì rất hoan nghênh. Nếu chỉ hát không thôi thì vào làm đại biểu Quốc hội rất khó. Quốc hội không ngăn cản mà đại biểu cứ đủ tiêu chuẩn là ứng cử và nhân dân sẽ lựa chọn", ông Phúc nhấn mạnh.

Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, giữa người được cơ quan đưa ra ứng cử và người tự ứng cử đều kê khai như nhau, không có gì khác và Quốc hội luôn tạo điều kiện cho sự bình đẳng giữa 2 đối tượng.

Theo chương trình, kỳ họp 11 Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Về chương trình xây dựng luật, kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Tin liên quan
Tin khác