Ảnh minh họa |
Ở góc độ thứ nhất, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (ước dưới 3,5% so với khoảng 4%). Vào cuối năm trước và cho đến giữa năm nay, không ít người, kể cả một số chuyên gia đã dự báo khả năng CPI bình quân năm 2022 sẽ không đạt được mục tiêu, thậm chí còn vượt qua mốc 5,5% trước sức ép của nhập khẩu lạm phát, tỷ giá... trên thế giới.
Ở góc độ thứ hai, tốc độ tăng thấp hơn mục tiêu của CPI bình quân năm nay là năm thứ 8 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu - một thời gian dài liên tiếp nhiều nhất trong mấy thập kỷ qua.
Ở góc độ thứ ba, CPI bình quân năm nay thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng GDP trong cùng năm, thấp hơn tỷ lệ của nhiều năm trước kia và thấp hơn tỷ lệ của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Ở góc độ thứ tư, CPI bình quân năm của năm nay thấp xa so với tốc độ tăng giá của các khâu/chuỗi trước CPI. CPI bình quân thấp hơn tốc độ tăng giá sản xuất (ước dưới 3,3% so với trên 3,4%). Tốc độ tăng giá sản xuất thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất (trên 6%), thấp xa so với tốc độ tăng giá vận tải, kho bãi (trên 8%). Tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất và tốc độ tăng giá vận tải kho bãi thấp xa so với tốc độ tăng giá nhập khẩu hàng hóa (trên 11%). Điều đó chứng tỏ các nhà sản xuất đã “chịu đựng”, “che chắn”, “gánh đỡ”, “chia sẻ” cho người tiêu dùng, bản thân họ vừa phải tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận...
Ở góc độ thứ năm, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ có vài nhóm có tốc độ tăng cao hơn CPI bình quân chung (như giao thông, đồ uống và thuốc lá), còn lại tăng thấp hơn hoặc giảm, trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - chiếm tỷ trọng cao nhất (36,12%) trong “rổ” hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng - chỉ tăng hơn 2,3%. Việc tăng thấp hơn của giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống sẽ giảm áp lực đối với mức sống thực tế của người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người cận nghèo.
Ở góc độ thứ sáu, lạm phát của Việt Nam tăng thấp hơn so với tốc độ tăng tương ứng của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. CPI của những nước này cao gấp nhiều lần định hướng (khoảng 2%); cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP...
Ở góc độ thứ bảy, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu tác động lớn đến tâm lý, góp phần giảm sức ép đến tỷ giá VND/USD trước sức ép mất giá lớn của nhiều đồng tiền ở nhiều nước và vùng lãnh thổ. Đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao lòng tin đối với đồng tiền quốc gia.
Bên cạnh các điểm nhấn tích cực, từ CPI bình quân năm 2022, có thể dự báo/cảnh báo về lạm phát trong thời gian tới.
Lạm phát thấp của năm 2022, ngoài các yếu tố tích cực, còn có một phần do tích lũy tài sản - tiền đề của đầu tư với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thấp hơn năm trước (dưới 33% so với trên 34%). Nếu năm 2023, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cao lên, trong đó, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước chiếm tới 33,6% - cao hơn tỷ trọng tương ứng thực tế của năm 2021 (27,31%) và ước khoảng 25% năm 2022. Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn tốc độ tăng GDP, trong đó tiêu dùng cuối cùng tăng cao do gốc so sánh là năm 2021 có quy mô thấp và tỷ trọng tiêu dùng từ sản phẩm tự cấp tự túc giảm, tỷ trọng tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng.