So với thế giới, kinh tế tập thể của Việt Nam nhỏ bé trên mọi phương diện. |
Nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, đặc biệt kể từ khi triển khai Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, có thể thấy, khu vực kinh tế tập thể đã có sự phát triển đáng kể ở bề nổi.
Cụ thể, hiện cả nước có hơn 27.340 HTX, tăng 16.420 đơn vị, thu hút khoảng 5,7 triệu thành viên, tăng 9%; giải quyết việc làm cho 1.078.000 lao động, gấp 2 lần so với năm 2001. Chỉ riêng giai đoạn 2012-2021 (triển khai Luật HTX năm 2012), mỗi năm có trên 2.600 HTX được thành lập, gấp 2,24 lần so với bình quân 10 năm trước đó.
Nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài “làm đẹp” bức tranh của kinh tế tập thể. Còn chất lượng là điều đáng bàn.
Đó là, trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng nửa tốc độ tăng trưởng GDP và có xu hướng giảm dần; tỷ trọng đóng góp vào GDP chỉ ở mức 4,03% vào năm 2013 và giảm xuống còn 3,62% vào năm 2020.
Số lượng HTX tăng nhanh, nhưng số thành viên tham gia lại giảm mạnh, khiến quy mô của HTX vốn đã nhỏ, lại ngày càng “teo tóp”. Quy mô vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động... bình quân của HTX không lớn hơn là bao nếu so với những cửa hàng tạp hóa lớn ở chợ Đồng Xuân, Bến Thành...
So với thế giới, kinh tế tập thể của Việt Nam nhỏ bé trên mọi phương diện.
Đơn cử, hiện Việt Nam có 5,7 triệu người tham gia HTX (trong đó rất nhiều người tham gia chỉ là hình thức), chiếm chưa đến 5,7% dân số, trong khi ở Hà Lan, tỷ lệ này là 176%, ở Nhật Bản là 51%. Tỷ lệ người dân tham gia HTX ở các nền kinh tế phát triển khác như Đức, Mỹ, Phần Lan, Australia, New Zealand, Anh, Pháp, Canada... chiếm 25-40% dân số. Còn ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Singapore…, tỷ lệ tham gia HTX cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Trong lúc các HTX nông nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, thì người tiêu dùng, đặc biệt là người dân thành thị vẫn sử dụng hoa quả, bơ sữa, thịt cá, cùng nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng khác nhập khẩu trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm từ HTX ở các nước trên thế giới. Điều đáng nói là, khu vực kinh tế tập thể ở các nước hiện không được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, đất đai, miễn giảm thuế, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường như HTX ở Việt Nam.
Hàng loạt hạn chế, yếu kém, tồn tại đã được đề cập khi tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW cách đây 5 năm. Tất cả hạn chế, yếu kém, tồn tại của khu vực kinh tế tập thể tiếp tục được nhắc lại tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW vừa được tổ chức. Trong đó, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, tồn tại được chỉ ra là bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể từ trung ương đến địa phương phân tán, nơi có, nơi không.
Ở cấp Trung ương, ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, thậm chí đã nâng cấp từ vụ thành cục, thì các, bộ, ngành còn lại hầu như ít chuyển động, vẫn chỉ có một vài nhân sự được giao làm việc này. Nhiều bộ, ngành không có nhân viên chuyên trách, trong khi mô hình kinh tế hợp tác xuất hiện tại hầu hết các lĩnh vực, ngoài giao thông, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, tiền tệ, còn có cả môi trường, y tế, giáo dục, xây dựng...
Ở địa phương, hiện mới chỉ có 15 tỉnh, thành phố có hoạt động quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, nhưng cũng chỉ giao cho một vài công chức đảm nhận thêm ngoài nhiệm vụ chính. Số địa phương còn lại hầu như không biết có sự tồn tại của khu vực kinh tế đang đóng góp 3,62% GDP.
Tổng kết 20 năm Nghị quyết 13-NQ/TW đã cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến HTX, thì kinh tế tập thể phát triển, thực sự là chỗ dựa cho những người dân được xem là yếu thế về tài chính, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, số lượng cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến kinh tế tập thể không nhiều. Đây là lý do “khiến sự phát triển của HTX ngày càng đuối và người dân không hào hứng, mặn mà tham gia HTX” - như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW.
Nghị quyết 13-NQ/TW cùng Luật HTX năm 2012 sẽ được thay thế bằng văn bản khác và chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới để vực dậy kinh tế tập thể. Nhưng dù cơ chế, chính sách có phù hợp đến đâu, mà lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương còn thờ ơ, thì kinh tế tập thể vẫn khó có thể bứt tốc, khó thoát khỏi những yếu kém hiện tại và càng khó gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP.