Sau ngày 30/4/1975, thực hiện chủ trương cải tạo nông nghiệp, Bến Tre đã từng bước cải tạo quan hệ sản xuất từ tổ đoàn kết sản xuất chuyển dần sang hình thức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Đến tháng 4/1985, Bến Tre đã hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa 90% diện tích đất ruộng và 93% số hộ nông dân vào làm ăn tập thể.
Cùng với chủ trương cải tạo nông nghiệp, tỉnh đã tịch thu, trưng thu đất của địa chủ, phú nông và vận động nông dân nhường cơm xẻ áo cho nông dân nghèo, không có đất sản xuất, với mục tiêu là tất cả nông dân đều có đất sản xuất. Khi đưa đất vào tập đoàn và tổ chức lại sản xuất, hầu hết việc giao đất cho hộ gia đình đều tính theo bình quân nhân khẩu. Từ đó, hộ có nhiều đất bị điều chỉnh để giao khoán cho hộ không có đất hoặc ít đất sản xuất.
Năm 1991, sau khi các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp không còn nữa, đất giao khoán trở thành của cá thể, một số hộ dân không có đất khi vào tập đoàn được nhận đất khoán nhưng không sản xuất đã đem sang nhượng cho hộ khác. Từ đó phát sinh tranh chấp, khiếu nại và gây mâu thuẫn trong nông dân, nhất là những hộ có nhiều đất bị điều chỉnh cấp cho người không đất hoặc ít đất sản xuất. Nông dân làm đơn khiếu nại yêu cầu trả lại đất đã đưa vào tập đoàn, trả thêm hoa lợi và đòi trở về đất ruộng cũ.
Tính từ sau năm 2001 đến 2009, toàn tỉnh tiếp nhận 6.662 đơn khiếu nại có liên quan đến đất tập đoàn sản xuất.
Để hỗ trợ Bến Tre giải quyết tình hình khiếu nại của nông dân liên quan đến đất tập đoàn sản xuất, Chính phủ ban hành Quyết định số 815/QĐ - TTg ngày 4/7/2001. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ tiền di dân tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, đầu tư xây dựng khu kinh tế mới trong và ngoài tỉnh, di dân tái định cư, hỗ trợ vốn cho vay trong quá trình hòa giải, vận động, thương lượng, thỏa thuận giữa các bên theo phương án của tỉnh. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Bến Tre đã huy động, sử dụng các quỹ đất của địa phương để giải quyết.
Kết quả thực hiện Quyết định số 815/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bến Tre đã giải quyết cơ bản đơn thư khiếu nại liên quan đến đất tập đoàn sản xuất. Trong quá trình giải quyết, ở các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, hầu hết các hộ dân đã đồng ý nhận đất, nhận vốn vay và hỗ trợ nên cơ bản đã ổn định sản xuất.
Riêng ở huyện Ba Tri, thời gian qua đã giải quyết xong 2.685 đơn, hiện còn hơn 150 trường hợp khiếu nại nhiều lần dai dẳng, dù đã được xem xét giải quyết đúng theo tinh thần Quyết định 815/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng các hộ này vẫn tiếp tục khiếu kiện, yêu cầu trả hết đất đưa vào tập đoàn hoặc giao thêm đất, trở về đất cũ, không nhận đất khác.
Tại buổi họp báo, đại diện Thanh tra tỉnh cho biết, sẽ thông báo cho 28 hộ dân ở Ba Tri, trong số hơn 150 hộ còn đang tiếp tục khiếu kiện, là các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại. Đại diện Thanh tra tỉnh khẳng định, quan điểm của tỉnh giải quyết khiếu nại đất tập đoàn sản xuất là: Không xem xét việc đòi lại hết đất đưa vào tập đoàn sản xuất, chỉ xem xét giải quyết đối với các hộ dân đã được giải quyết theo Quyết định 815/QĐ – TTg nhưng chưa nhận đất hoặc được giải quyết nhưng còn có chỗ chưa hợp lý. Các ngành tập trung vận động hộ B (hộ nhận đất khoán) có điều kiện thì hoán đổi hoặc mua lại để giao trả đất cũ cho hộ A (hộ giao đất).