Thời sự
Khu công nghiệp Lai Vu hoang vu vì khiếu kiện
Hà Nguyễn - 12/08/2013 13:52
Tình trạng dở sống, dở chết do liên tục xảy ra khiếu kiện và bị dân ngăn cản của Dự án Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) “thảm” đến nỗi UBND tỉnh Hải Dương phải “kêu cứu”. >>> Thêm dự án 10 triệu USD hoạt động tại Hải Dương >>> Nhà đầu tư Malaysia rút khỏi Dự án Nhiệt điện Hải Dương >>> Khu công nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành

Lá đơn, nói đúng hơn là một bản báo cáo về tình hình triển khai Dự án Khu công nghiệp (KCN) Lai Vu được UBND tỉnh Hải Dương gửi tới các cơ quan báo chí từ tuần trước, với đề nghị nhận được sự “quan tâm, phối hợp, ủng hộ, giúp địa phương khắc phục, giải quyết các khó khăn, tồn tại, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận để KCN Lai Vu được triển khai theo tiến độ”.

KCN Lai Vu hiện thời vẫn mênh mông đất hoang, um tùm cỏ mọc

Dự án này, kể từ năm 2004 đến nay, đã liên tục xảy ra khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, cộng với những khó khăn về tài chính của chủ đầu tư đầu tiên - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nên không thể triển khai đúng kế hoạch ban đầu là xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2009.

Thậm chí, ngay cả sau khi Vinashin tái cơ cấu, Chính phủ quyết định chuyển giao Dự án cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tình hình cũng không khá hơn, dù Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu (thuộc PVN) đã rất nỗ lực.

KCN Lai Vu hiện thời vẫn mênh mông đất hoang, um tùm cỏ mọc, xen lẫn những vườn chuối, vừng, lạc…, bãi chăn thả trâu bò. Không chỉ hạ tầng KCN dở dang, mà tình hình thu hút đầu tư vào KCN này cũng… xuống cấp.

Hy vọng với KCN Lai Vu lóe sáng, khi hai công ty TNHH May Tinh Lợi và TNHH Dệt Pacific Crystal (thuộc Tập đoàn Dệt may Crystal - Hồng Kông) đến đăng ký đầu tư hai dự án dệt may, với tổng vốn đăng ký lên tới 557 triệu USD.

Tuy nhiên, các kế hoạch đầu tư của họ vẫn bất thành, do người dân liên tục ngăn cản. “Từ năm 2012 đến nay, hằng ngày, vẫn có khoảng 30-40 người dân vào KCN trồng cây, gây cản trở hoạt động triển khai xây dựng hạ tầng KCN. Một số người còn liên tục lên tỉnh, Trung ương khiếu kiện rất hay gắt”, ông Nguyễn Dương Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc thu hút được hai nhà đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư lớn là cơ hội tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Nếu cơ hội này bị bỏ qua, KCN Lai Vu sẽ tiếp tục gặp khó khăn, hạ tầng sẽ ngày càng xuống cấp, tài nguyên đất Và các nguồn lực khác sẽ tiếp tục bị lãng phí nghiêm trọng”, ông Thái nói và bày tỏ, để hai dự án trên được triển khai và đi vào hoạt động, rất cần sự phối hợp, khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh và địa phương. Đồng quan điểm, ông Đặng Cao Sơn, Chủ tịch Công ty Lai Vu, cũng thẳng thắn: “Chính quyền địa phương phải ra tay”.

Câu chuyện còn nằm ở chỗ, May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal không chỉ đầu tư dự án thứ cấp, mà còn mong muốn đầu tư cả hạ tầng KCN Lai Vu. Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn cho biết, Crystal và PVN đã đạt được những thỏa thuận đầu tiên về việc mua lại Dự án từ PVN với giá khoảng 603 tỷ đồng. Tuy vậy, việc này còn chờ sự thông qua của Thủ tướng Chính phủ.

“Nhưng nếu bê bối không được giải quyết, tôi sợ rằng, họ sẽ không đầu tư ở KCN Lai Vu nữa, không chỉ là dự án hạ tầng, mà cả dự án thứ cấp”, ông Đặng Cao Sơn không giấu giếm được sự lo lắng và mệt mỏi, bởi các nỗ lực giải quyết hậu quả trong 3 năm qua, sau khi nhận bàn giao từ Vinashin, để KCN tiếp tục hoàn thiện và đi vào hoạt động, chưa có kết quả.

Ông Sơn còn cho biết, đã nghe thông tin về việc hai nhà đầu tư này đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư khác. Tuy nhiên, khi liên lạc với Công ty May Tinh Lợi, phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn nhận được câu trả lời rằng, họ không có bất cứ bình luận nào trong thời điểm nhạy cảm này. Còn theo ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban quản lý KCN Hải Dương, cho tới thời điểm này, nhà đầu tư vẫn bày tỏ nguyện vọng được đầu tư ở Hải Dương.

Tin liên quan
Tin khác