Hiện toàn tỉnh Bến Tre có gần 16.000 ha dừa uống nước, chiếm hơn 20% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng trong năm ước khoảng 144,52 triệu trái.
Để chuẩn bị cho việc xuất dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung các giải pháp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa nhằm tạo vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng trồng và chuẩn bị các hồ sơ có liên quan theo quy định…
Lô hàng xuất khẩu dừa tươi Bến Tre sang thị trường Hoa Kỳ được xuất đi ngày 29/8 vừa qua (Ảnh: C.Trúc) |
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre thông tin: đối với thị trường Trung Quốc, sau khi nhận được Công văn số 1848/BVTV-HTQT của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) ngày 21/7/2023 về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chuẩn bị kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất sang thị trường Trung Quốc, Sở NN&PTNT đã họp triển khai nội dung hướng dẫn của Cục BVTV cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu xuất dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, đã nộp 27 hồ sơ (8 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng) với diện tích 1.453,77 ha của các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, các doanh nghiệp hiện đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.
Riêng thị trường Mỹ, đã có sự thống nhất giữa Việt Nam và Mỹ về quy trình xuất khẩu dừa sang Mỹ và các doanh nghiệp trong tỉnh có thể thực hiện ngay.
Tiên phong đưa dừa tươi vào thị trường Mỹ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành vừa xuất đi một chuyến xe container dừa uống nước xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên vào 29/8/2023, kể từ khi APHIS (Cục Kiểm dịch động thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) thông tin cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này vào đầu tháng 8/2023.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong cho biết thêm, bước đầu khi thị trường Mỹ cho phép nhập khẩu trở lại, công ty đã nắm bắt cơ hội hợp tác, xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường này với 5 container (tương đương 100 ngàn trái). Kỳ vọng thị trường này sẽ ổn định quanh năm, tạo tiền đề tốt cho hoạt động xuất khẩu dừa uống nước của tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu và giúp nhà máy tăng sản lượng hơn 10 container mỗi tháng (tương đương 200 ngàn trái).
Trong 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tỉnh Bến Tre (giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.820 tỷ đồng, chiếm 9,83% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt 270,54 triệu USD/năm, chiếm 24,42% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Hiện các sản phẩm từ dừa Bến Tre đã xuất qua hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, dầu dừa tinh khiết, mỹ phẩm từ dừa... Ngoài ra, các phụ phẩm từ cây dừa được tận dụng làm than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ... góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, mặt tích cực là Việt Nam đã kết thúc đàm phán với Mỹ vào giữa tháng 8/2023, kết quả dừa tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ không cần xây dựng mã vùng trồng, mã nhà máy đóng gói, chỉ cần kiểm dịch thực vật. Các doanh nghiệp có thể tiến hành ngay việc xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, dừa nhập khẩu vào Mỹ chỉ diễn ra hoạt động kiểm dịch thực vật duy nhất một lần, tại các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, thì địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng nguyên liệu, đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu; các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp phải chủ động nắm thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ có liên quan theo quy định, sẵn sàng cho các cuộc kiểm tra, đánh giá của các bên đối tác, ông Đảnh nhấn mạnh.