Y tế - Sức khỏe
Bệnh hô hấp, da liễu tăng trong thời tiết nồm ẩm
D.Ngân - 15/03/2024 20:16
Theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm làm gia tăng nhiều bệnh lý về da và hô hấp, người dân cần có kiến thức phòng bệnh, tránh các biến chứng đáng tiếc.
TIN LIÊN QUAN

Sai lầm điều trị viêm da

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày qua bệnh nhân đến khám vì nhiễm khuẩn, dị ứng, viêm da cơ địa, trứng cá tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. 

Theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm làm gia tăng nhiều bệnh lý về da và hô hấp, người dân cần có kiến thức phòng bệnh, tránh các biến chứng đáng tiếc.

So với các mùa khác, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, virus ký sinh trùng, các tác nhân trong không khí gây tình trạng dị ứng, do vậy các mặt bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng, viêm da cơ địa, trứng cá tăng rõ rệt…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, gần đây, bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben… tăng lên.

Ngoài ra còn các mặt bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Ước lượng số bệnh nhân đến viện do những bệnh lý này tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường.

Với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác.

Cũng có không ít người bệnh bị bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… tình trạng nặng lên. Nấm da hay gặp ở người ra nhiều mồ hôi, quần áo ẩm ướt.

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ do không ý thức được nên hay gãi, cào... khiến tình trạng bệnh viêm da bội nhiễm thêm. Bên cạnh đó, các bố mẹ cũng chưa có cách chăm sóc đúng như tìm các biện pháp dân gian tắm nước muối, nước lá hoặc nước bị nóng quá làm ảnh hưởng tới da của trẻ nhỏ.

Bố mẹ cũng có xu hướng mua thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh không khỏi, có xu hướng nặng lên. Khi bố mẹ đưa con đến bác sĩ thì không còn là bệnh chẩn đoán ban đầu nữa, mà có thể là 1, 2 tình trạng bệnh khác.

Bác sĩ Vinh dẫn chứng, một số cha mẹ khi thấy con bị mày đay sẽ cho tắm lá khế, viêm da khô đỏ, tắm lá bạch đàn, xà cừ, sài đất… Các loại lá này không có tác dụng với bệnh vì cơ chế bệnh sinh không liên quan đến việc điều trị bằng lá cây.

Lá cây có thể có chất sát khuẩn, nhưng nếu sử dụng nhiều quá có thể làm cho da khô, mất lớp lipit bảo vệ da. Bên cạnh đó, các loại lá cây, nước muối có một số thành phần không đúng khiến tình trạng da thêm nặng.

Một sai lầm thường gặp nữa, bố mẹ mua các loại thuốc lá, kem không rõ thành phần, có thể có corticoid không phù hợp trong điều trị. Với thuốc Nam, thuốc lá cũng tương tự dễ làm cho viêm da cơ địa chảy dịch nhiều hơn, đóng vẩy tiết dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da vốn đã bị tổn thương

"Chúng tôi đã gặp trường hợp viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác, tình trạng nặng, điều trị lâu dài…", bác sĩ Vinh chia sẻ.

Với viêm da cơ địa không biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng bội nhiễm, phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Tuy nhiên, với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương lưu ý, với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời, chớ tự ý điều trị.

Bệnh lý hô hấp cũng tăng cao

Thời tiết nồm ẩm cũng là nguyên nhân khiến bệnh lý hô hấp tăng cao. Ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, phần lớn trẻ nằm điều trị nội trú mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sốt virus.

Thời gian gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều cháu bé nhập viện mắc bệnh lý do thời tiết nồm, ẩm gây ra. Bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho.

Còn theo bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh hen cũng tăng cao khi thời tiết nồm, ẩm. Theo đó, hầu hết trẻ nhập viện vì cơn hen cấp đều chưa được điều trị dự phòng đầy đủ, có những trường hợp các bác sĩ đã kê đơn dự phòng nhưng gia đình chưa tuân thủ.

Có trường hợp trẻ mới chỉ được gia đình đưa đi khám ở các phòng khám, chưa được thăm dò về chức năng hô hấp, các test dị ứng nên chưa được chẩn đoán xác định là hen và điều trị dự phòng.

Đối với các bệnh nhi mắc bệnh hen, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ giúp kiểm soát tốt nền viêm mãn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc của đường thở cũng như các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày ăn uống, học tập, vui chơi, thể dục thể thao, … của trẻ. 

Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp. Đặc biệt, có những thay đổi nhỏ như đi bơi, sinh hoạt ngoại khoá, hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết, môi trường sống,  có nguy cơ mắc cơn hen cấp nặng. 

Theo khuyến cáo những trẻ hen phế quản cần được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cúm hàng năm và vắc-xin phế cầu theo tuổi. Trong trường hợp trẻ nhiễm virus, gia đình cần tuân thủ xịt thuốc dự phòng theo y lệnh, vệ sinh mũi họng, súc miệng thường xuyên.

Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ thường xuyên để được đánh giá về chức năng hô hấp, tình trạng kiểm soát hen của trẻ, đồng thời, được các chuyên gia y tế hướng dẫn cách xử trí khi lên cơn hen cấp. 

Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.

Với các trẻ có tiền sử mắc bệnh hen, khi xuất hiện triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngạt tắc mũi, bắt đầu cảm thấy khó chịu, ho húng hắng, điều này báo hiệu trẻ có thể sắp xảy ra 1 cơn hen cấp, sau đó 1 vài ngày có thể biểu hiện ho, khó thở, thở rít. 

Khi đó cha mẹ cần đưa con đi khám hoặc xem lại thật kỹ các biện pháp điều trị dự phòng cũng như sử dụng thuốc cắt cơn để con không bị lên cơn cấp nặng, nguy hiểm.

Tin liên quan
Tin khác