Đầu tư Phát triển bền vững
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đại diện cho tinh thần đoàn kết và tình người trong cơn bão Covid-19
Như Loan - 13/08/2020 07:15
Đó là chia sẻ của kỹ sư Đoàn Khắc Trung, Trưởng Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng).
Kỹ sư Đoàn Khắc Trung,Trưởng Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn.

Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn được xem là công trình Bệnh viện dã chiến có thời gian thi công nhanh kỷ lục tại Việt Nam với 3,5 ngày. Để hoàn thành tiến độ này, chắc hẳn phải gặp áp lực vô cùng lớn?

Theo cam kết của lãnh đạo Sun Group với thành phố, Bệnh viện dã chiến sẽ được thi công xong trong vòng tối đa 6 ngày. Khi nhận nhiệm vụ, anh em chúng tôi đã lập tức đặt cho mình một mục tiêu khác: cần phải sớm hơn thế, chỉ 4 ngày. Và ở thời điểm ấy, trong tay tôi khi đó có vỏn vẹn... 30 “quân”. Lúc đó thực sự chúng tôi cam kết bằng lý trí, chứ cũng không hiểu làm sao có thể hoàn thành tiến độ trong vòng 4 ngày khi vẫn còn quá nhiều khó khăn chưa thể giải đáp.

Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc huy động một lúc hàng trăm công nhân để thi công bệnh viện trong thời gian gấp gáp như vậy là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chưa kể, việc mua sắm một khối lượng trang thiết bị khổng lồ trong vòng 2-3 ngày dường như là điều không tưởng, bởi lẽ phải gom ở các tỉnh thành trên cả nước, vận chuyển về Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh rất khó khăn.

Nhưng lúc đó, tôi hiểu rằng không có thời gian để nghĩ nhiều nữa, chỉ có cách vào việc ngay thì mới kịp. Kể từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã gọi điện liên tục để kết nối với các bên. Có lẽ, nhờ được truyền nhiệt huyết, quyết tâm từ những lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn cũng như lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của tất cả mọi người, từ Sun Group, các nhà thầu, các cơ quan chức năng của thành phố và cả những người dân Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ngay chiều hôm đó, tôi đã huy động được 120 công nhân. Điều tôi xúc động hơn cả là nhiều người dân Quảng Nam – Đà Nẵng xung phong tham gia, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng họ chia sẻ là “làm được gì cho nhân dân, cho quê hương là họ làm ngay”. Sáng hôm sau, chứng kiến anh em công nhân đứng dàn hàng ngăn nắp đâu vào đó, tôi biết chắc chắn mình sẽ kiểm soát được tiến độ và đạt tiến độ rồi.

Để đạt tiến độ thi công Bệnh viện dã chiến, mọi quy trình, thủ tục đều phải… “phá” hết. Lúc đó, tôi có chia sẻ với anh em là “nếu có bị phạt vì sai quy trình thì tôi sẵn sàng chịu phạt, coi như là làm vì nhân dân”. Có lẽ vì tất cả các phòng ban chức năng đều hiểu tính chất và ý nghĩa của công trình này nên ai cũng hỗ trợ hết lòng, việc chạy ro ro. Chỉ sau 2 ngày thì thiết bị vật tư đầy đủ, không thiếu thứ gì. Đây là một việc chưa từng có tiền lệ. 

Thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn.

Nhìn vào Bệnh viện dã chiến, nhiều người cho rằng các hạng mục khá đơn sơ với giường, tủ vách… nên thời gian thi công mới nhanh?

Có lẽ khi mọi người nhìn vào, chỉ thấy mọi thứ khá đơn sơ là những chiếc giường, tấm vách, quạt, đèn, nhưng thực tế còn rất nhiều yếu tố khác phức tạp để xây dựng Bệnh viện dã chiến.

Điển hình như hệ thống vệ sinh cho Bệnh viện dã chiến, đây vốn là Cung thể thao phục vụ cho khán giả đến xem thi đấu nên nhu cầu vệ sinh khá đơn giản, không có tắm giặt. Nhưng khi biến thành Bệnh viện dã chiến, sẽ phát sinh việc cần trang bị các thiết bị phục vụ nhu cầu tắm giặt cho y bác sĩ, bệnh nhân tại đây. Chúng tôi phải chế thêm nhiều vòi sen để phục vụ nhu cầu thực tế phát sinh.

Bên cạnh đó, trước đây nước ở đây chỉ là nước sinh hoạt thông thường, có thể thông qua hệ thống xử lý sơ bộ nhất như bể tự hoại để xả vào hệ thống thoát nước của thành phố. Nhưng bây giờ Bệnh viện dã chiến sẽ có khu truyền nhiễm, nên toàn bộ hệ thống xử lý nước thải phải sửa lại hết để đảm bảo không được phép xả vào hệ thống cống chung của thành phố, làm lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi phải chạy một hệ thống thu gom, thoát nước riêng cho Bệnh viện dã chiến.

Sau khi thống nhất phương án với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế và Công ty thoát nước, chúng tôi đã phải xử lý để gom hết tất cả các điểm xả tại các trục chính của tòa nhà để xử lý, sát khuẩn và bơm đi. Hệ thống thu gom nước thải dưới tầng hầm của Bệnh viện dã chiến được trang bị đầy đủ hiện đại với các bước sục ozone, chlorine nén xử lý nước và dùng hệ thống đèn UV sát khuẩn không khí đầu ra của các bồn chứa.

Ngoài ra, hệ thống thông gió của Bệnh viện dã chiến cũng phải làm lại theo yêu cầu của các chuyên gia y tế. Chúng tôi phải đầu tư một bộ hệ thống lọc gió rất hiện đại để trang bị riêng cho Bệnh viện dã chiến, đảm bảo gió được lọc sạch sẽ, trước khi được hút và xả ra môi trường, đảm bảo không lây lan virus ra ngoài cộng đồng.

Hệ thống xử lý rác thải của phòng xét nghiệm cũng phải được trang bị riêng để thu gom, xử lý bằng chlorine nén, tia UV để sát khuẩn, rất phức tạp chứ không chỉ đơn giản như những thứ nhìn thấy trên hình.

Rất may mắn là việc thi công Bệnh viện dã chiến từ đầu đến cuối đều có sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tâm của các sở, ban, ngành của thành phố nên tất cả các vướng mắc đều được xử lý nhanh gọn. Điều đó tạo động lực rất lớn cho chúng tôi để hoàn thành nhiệm vụ.

Là người trực tiếp thi công bệnh viện này, anh có cảm xúc gì sau khi bệnh viện hoàn thành?

Điều quý giá nhất tôi nhận được qua công trình Bệnh viện dã chiến này, chính là tình người trong tâm dịch. Đó là sự quan tâm hết lòng, tinh thần quyết liệt vì thành phố Đà Nẵng của lãnh đạo Tập đoàn Sun Group, là sự hỗ sợ, đồng hành sát sao của lãnh đạo thành phố cùng các sở ban ngành và trên tất cả là sự ủng hộ hết lòng của anh em các ban chức năng, nhà thầu và những người dân Đà Nẵng. Đó là sự ủng hộ vô cùng to lớn, tạo động lực để chúng tôi về đích trước kế hoạch.

Với Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Cung Thể thao Tiên Sơn có thể chỉ là một bệnh viện mà nhiều người mong nó ế ẩm nhất. Còn với chúng tôi, đó là một công trình đại diện cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và tình người trong cơn bão Covid-19.

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, so với sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, các cán bộ y tế, công an, bộ đội và các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế… những đóng góp công sức của anh em chúng tôi trong việc thi công Bệnh viện dã chiến là vô cùng nhỏ bé, chưa thấm vào đâu. Nhưng được góp một tay để chia sẻ với những khó khăn, vất vả với thành phố Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch này, tôi cảm thấy tự hào và may mắn.

Tin liên quan
Tin khác