Nửa đường đứt gánh
Cuộc “hôn nhân” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Trung ương - đơn vị y tế công lập đầu tiên trong ngành giao thông được chọn cổ phần hóa và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) đang dần đi đến hồi kết.
Khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Giao thông Vận tải. |
Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, T&T đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ: GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.
T&T cũng kiến nghị Bộ GTVT tổ chức Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, đã liên tục bị trì hoãn từ năm 2017 đến nay.
Trước đó khoảng 2 tuần, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký văn bản yêu cầu HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược khẩn trương thực hiện ngay điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu của Bộ GTVT là nhằm triển khai Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.
Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ tăng vọt từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ.
Cần nói thêm, Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”.
Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%.
Ông Trần Đỗ Thành, thành viên HĐQT T&T đánh giá, sự thay đổi này là khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị, điều hành cũng như chiến lược phát triển Bệnh viện GTVT. Đây là lý do chính khiến T&T phải “dứt tình” với Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, dù đã đặt rất nhiều kỳ vọng.
Khó khăn hiện hữu
Hiện chưa rõ lộ trình và hình thức thoái vốn của T&T, nhất là khi toàn bộ cổ phiếu của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT vẫn chưa được tiến hành niêm yết tại sàn UPCoM, nhưng những thiệt hại tài chính mà nhà đầu tư này phải gánh chắc chắn là không nhỏ.
Được biết, với mong muốn trở thành cổ đông chi phối, T&T đã tham gia đấu giá công khai mua 4,952 triệu cổ phần, tương ứng 29,48% vốn điều lệ Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT vào cuối tháng 10/2015.
Tại cuộc đấu giá này, T&T và 1 nhà đầu tư khác đã mua toàn bộ lô cổ phiếu này với giá bình quân 23.597 đồng/cổ phần, cao gấp 2,4 lần giá khởi điểm. Trước đó, hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ đã được Bộ GTVT bán cho T&T trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Giao dịch này chính thức được hoàn tất vào ngày 6/10/2017.
“Ngay cả khi chấp nhận cắt lỗ, rất khó để T&T tìm được một người thế chân, nhất là khi với tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ không vượt quá 30%, nhà đầu tư chiến lược sẽ gần như không có tiếng nói đáng kể nào trong mọi hoạt động của bệnh viện”, một chuyên gia cho biết.
Được biết, thời gian qua, với uy tín của mình, T&T đã mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia đầu ngành từ Singapore, Hàn Quốc… đến khảo sát Bệnh viện, nghiên cứu lập dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện tương đương khu vực và thế giới về lĩnh vực sản, nhi, phẫu thuật thẩm mỹ; đầu tư, mua sắm một số trang thiết bị theo đề xuất, nhu cầu của các khoa, phòng, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thay đổi cơ cấu vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT có thể ảnh hưởng đến tâm lý các cổ đông và đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, gây khó khăn cho việc định hướng đầu tư, phát triển bệnh viện.
Hiện Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang gặp phải một số khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động. Đơn cử: là một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế tài chính doanh nghiệp, nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế của Bệnh viện GTVT phải thực hiện áp dụng đồng hạng theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC,…
Trong khi đó, ngay sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần vào tháng 1/2016, Bệnh viện đã không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách thường xuyên hàng năm khoảng 25 tỷ đồng để trả lương.
“Công ty sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn để mua thuốc, trang thiết bị y tế, trả lương cho người lao động, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất… do đang lỗ lũy kế là 44,6 tỷ đồng (đến thời điểm 30/6/2017), cơ quan Bảo hiểm y tế còn nợ, chưa thanh toán kinh phí năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017 với số tiền rất lớn (khoảng 60 tỷ đồng)”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.