Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh, họ tự xét nghiệm dương tính nhưng khi gọi y tế địa phương, họ phải chờ rất lâu mới được đưa đi cơ sở y tế, nên có người đã tự đến bệnh viện khám và điều trị.
Theo thông tin từ một số cơ sở y tế, hiện nay có tình trạng người dân tự test nhanh, nếu thấy dương tính sẽ đến cơ sở y tế thuộc tầng 2, tầng 3 điều trị. |
Ngày 9/12, ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn có không ít trường hợp đến khám bệnh do có yếu tố ho, sốt và được đưa vào khu sàng lọc để làm xét nghiệm khẳng định rRT-PCR. Trong đó, có cả những trường hợp tự test nhanh tại nhà và biết mình dương tính trước đó.
Ths.Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ, đây là thực tế diễn ra tại Bệnh viện trong những ngày qua.
Có những ngày, có hơn 20 bệnh nhân tự làm test nhanh và biết Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận bệnh nhân, nên tự đến viện và được phân luồng vào khu khám sàng lọc để chờ làm xét nghiệm rRT-PCR, gây quá tải cho khu phân luồng.
Thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại khu vực này không thể nhanh, do đó, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly hoàn toàn có thể xảy ra.
99% bệnh nhân có test nhanh dương tính, khi làm xét nghiệm khẳng định bằng rRT-PCR đều cho kết quả trùng lắp.
Sau khi xét nghiệm khẳng định, các trường hợp này sẽ được phân tầng, nếu ở tầng 2, 3, bệnh nhân được giữ lại tại Bệnh viện để điều trị, nếu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, sẽ được chuyển sang các khu thu dung.
Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho khoảng 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng.
Những trường hợp nặng chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin, tiêm chưa đủ liều, hoặc tiêm 2 mũi chưa đủ thời gian sinh kháng thể.
Đây cũng là câu chuyện xảy ra tương tự tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang những ngày qua.
TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, một vài ngày gần đây, bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhân tự test nhanh Covid-19, phát hiện dương tính và tự tìm đến bệnh viện điều trị.
Đây là điều không tốt cho cộng đồng, bởi người dân sau khi dương tính, tự ý di chuyển gây nguy cơ lây lan dịch.
Để xảy ra tình trạng người dân tự ý tới bệnh viện điều trị Covid-19 theo bác sĩ ngoài tâm lý lo lắng của họ thì hiện nay hệ thống vận chuyển cấp cứu 115 đang quá tải vì lượng F0 tăng nhanh, vì thế việc đáp ứng vận chuyển bệnh nhân không thể ngay lập tức.
Bên cạnh đó, khi khai thác dịch tễ, nhiều trường hợp tự test nhanh tại nhà, khai báo với y tế tại phường, xã về kết quả test nhanh dương tính của mình, nhưng một số cán bộ y tế hướng dẫn tự đến bệnh viện khám mà không hướng dẫn cần ở nhà để lấy mẫu xét nghiệm.
“Tôi cho rằng, Sở Y tế Hà Nội cần phải tập huấn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở có kiến thức chuyên môn về phân tầng, có tư vấn cho người dân hợp lý để tránh việc người dân tự đến bệnh viện gây khó khăn cho công tác phân luồng người bệnh", bác sĩ Hường bày tỏ.
Bác sĩ Hường khuyến cáo, bệnh nhân nếu phát hiện mình dương tính, nên gọi y tế cơ sở để họ hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội lấy mẫu và chờ kết quả, cũng như được hướng dẫn phân tầng điều trị đúng tuyến, tránh quá tải cho cơ sở y tế.
Trong lúc chờ đợi, mọi người lắng nghe cơ thể và làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, thí dụ theo dõi nhiệt độ 2 lần/ngày, đo Sp02 (hoặc nếu thấy tức ngực, khó thở) phải báo ngay cơ sở y tế để họ có biện pháp triển khai đưa tới cơ sở y tế.
Một số bệnh nhân dù chỉ có triệu chứng nhẹ ở phân tầng 1, chỉ cần theo dõi ở khu thu dung nhưng lại muốn vào bệnh viện điều trị, điều này là gánh nặng lớn cho y tế tuyến trên, vì khi đó sẽ làm mất đi cơ hội điều trị tốt nhất cho bệnh nhân tầng 2, 3.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho rằng, người dân khi xét nghiệm nhanh dương tính cần phải bình tĩnh, gọi điện cho y tế phường, xã nơi mình ở và chờ y tế đến để đưa đi bệnh viện.
Hầu hết các F0 đều triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, nên người dân không phải quá lo lắng, tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra nhập viện khi không có dấu hiệu bất thường gì về sức khỏe.
Theo phân tầng điều trị F0 của Hà Nội thì tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà.
Tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách. Tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Bác sĩ Thường nhấn mạnh, Hà Nội có đủ khả năng bố trí khoảng 12.000 giường điều trị F0, trong khi hiện nay con số bệnh nhân đang điều trị khoảng hơn 5.000.
Do vậy, người dân cần bình tĩnh hợp tác cùng với chính quyền và ngành Y tế, nhất là khi Hà Nội đang triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà với F0 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.