Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trở thành địa chỉ tin cậy của các bà mẹ |
Áp dụng nhiều kỹ thuật đỉnh cao
Khám thai định kỳ khi thai đang ở tuần 21, thai phụ Trần Thị H. (28 tuổi, Nam Định) vô tình được phát hiện có dấu hiệu dọa đẻ non khi thực hiện siêu âm thai.
Thai phụ được chỉ định nhập viện Khoa Sản bệnh A4 ngay để điều trị giữ thai. Khi đó, thai ước lượng nặng khoảng 450g, đa ối, cổ tử cung mở 4cm, đầu ối căng phồng và thõng vào trong âm đạo, phần thai đã xuống dưới, tiên lượng sảy thai gần như chắc chắn.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, Phó Trưởng khoa Sản bệnh A4 - bác sĩ trực tiếp tiếp nhận và theo dõi điều trị cho chị H. nhận thấy đây là một trường hợp rất khó, muốn giữ được thai thì cần giải quyết được cơn co tử cung và khâu vòng cổ tử cung nhằm bảo vệ đầu ối.
Tuy nhiên, do bệnh nhân cùng lúc có nhiều yếu tố như thai non tháng, đa ối, cổ tử cung mở nhiều, đầu ối căng phồng và thõng vào trong âm đạo, sẹo mổ lấy thai cũ nên nếu tiến hành khâu cổ tử cung ngay thì khả năng thất bại rất cao (vỡ ối, chuyển dạ đẻ non).
"Cân nhắc nguyện vọng tha thiết mong muốn giữ thai của gia đình, giải thích mọi nguy cơ có thể xảy ra, chúng tôi nhận định cần phải giảm áp lực buồng ối bằng rút bớt nước ối, sau đó tiến hành khâu cổ tử cung nhiều lần sẽ có khả năng giữ thai thành công", Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương cho hay.
Được sự đồng ý của gia đình và thai phụ, sau khi xin ý kiến và được sự đồng thuận của lãnh đạo Bệnh viện, kíp thủ thuật khâu vòng cổ tử cung đã tiến hành với sự chuẩn bị kỹ càng cộng thao tác chính xác tuyệt đối, vô khuẩn và chỉn chu.
Tuy nhiên, 3 tuần tiếp theo, ở tuần 25 của thai kỳ, dưới áp lực của cơn co tử cung, cổ tử cung của thai phụ lại hé mở dần, không còn che phủ được đầu ối, chỉ khâu vòng chỉ giữ được1/2 phía trên của cổ tử cung. Một lần nữa, ekip lại thực hiện thủ thuật lần 2, khâu kéo toàn bộ phần mép sau cổ tử cung để che phủ đầu ối.
Với những nỗ lực giữ thai cho sản phụ, đến tuần thứ 33, thai phụ xuất hiện cơn chuyển dạ, kết quả một bé trai nặng 2.000g cất tiếng khóc chào đời. Sau sinh, con khóc tốt và được theo dõi tại khoa Sơ sinh, hiện tình trạng sức khoẻ của con ổn định.
Theo bác sĩ Trương Minh Phương, khâu vòng cổ tử cung cấp cứu là một thủ thuật khó nên cần được thực hiện tại những cơ sở sản khoa lớn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, gây mê hồi sức và y học bào thai.
Ngoài thực hiện thành công kỹ thuật khó nêu trên thì một trường hợp hi hữu khác cũng vừa được cơ sở cấp cứu và điều trị thành công là mổ lấy thai cho sản phụ mang thai 36 tuần, nặng 155kg với nhiều bệnh lý phức tạp.
Sản phụ V.T.U (sinh năm 1998, Hà Nội) nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc và giảm đau trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì, phát hiện tiểu đường thai kỳ từ tuần 12 có điều trị insulin. Được biết, trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg.
Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để bảo đảm an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Ca mổ diễn ra khó khăn do sản phụ có lớp mỡ dày, gây khó khăn trong quá trình gây tê và phẫu thuật. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê nên được các bác sĩ theo dõi rất sát sao.
GS-TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ. Hiện tại, sản phụ và em bé đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại khoa Dịch vụ D4.
Chưa kể, một trường hợp hy hữu khác mà bệnh viện vừa thực hiện là mổ đẻ thành công cho một sản phụ mang 3 thai tự nhiên có chung 1 bánh rau, 3 buồng ối. Đây là một trường hợp mang thai tự nhiên rất hiếm gặp.
Sản phụ Đặng Thị H. (22 tuổi, Hải Dương) nhập viện sinh con ở tuần 37. Vì sản phụ mang tam thai nên để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và bé, các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai. Lần lượt 3 bé gái có cân nặng 1800g, 1900g, 2000g chào đời khỏe mạnh.
Được biết, đây là lần mang thai đầu tiên của sản phụ. Chị H. mang thai tự nhiên, trong quá trình mang thai, tình trạng sức khỏe ổn định. Chị H. chia sẻ, chị rất bất ngờ khi biết mình mang tam thai, càng bất ngờ hơn khi các bác sĩ cho biết trường hợp của chị vô cùng hiếm gặp: 3 thai tự nhiên có chung 1 bánh rau, 3 buồng ối.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương, Phó Khoa Sản bệnh lý A4, phẫu thuật chính của ca mổ, đây là ca sinh 3 vô cùng hiếm gặp, mang 3 thai tự nhiên cùng trứng, nghĩa là từ 1 phôi đã phân chia để thành 3 thai phát triển độc lập.
Tỷ lệ gặp trường hợp này vô cùng thấp, khoảng 1/200.000 ca sinh. Các tai biến có thể xảy ra trong quá trình mang thai rất nhiều, như truyền máu giữa các thai, thai phát triển không đều dẫn đến bất tương xứng giữa các thai và có thể hỏng cả 3 thai”.
Nhân trường hợp hiếm gặp này, bác sĩ Trương Minh Phương khuyến cáo các thai phụ mang đa thai nên khám thai định kỳ tại các cơ sở chuyên sâu về sản khoa, nhằm phát hiện sớm các biến chứng có thể gặp và can thiệp kịp thời.
Kỹ thuật “da kề da” ấm áp
Với mục tiêu mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho sản phụ và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang thực hiện rất tận tâm kỹ thuật ấp Kangaroo (da kề da). Theo lời bác sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ấp Kangaroo là phương pháp tiếp xúc da kề da giữa mẹ/bố với bé. Trẻ sinh non gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị do bệnh lý phức tạp, sức đề kháng thấp nên việc ấp túi ngủ Kangaroo giúp cho các trẻ sinh non nhanh chóng hồi phục sức khỏe hơn.
Được biết, trước kia khi chưa có khu ấp, Khoa Sơ sinh thường xuyên gặp cảnh đêm hôm các mẹ bế con nhập viện cầu cứu trong tình trạng con tím, không ăn được vì sặc sữa. Mặc dù trước khi trẻ xuất viện, các bà mẹ cũng được luyện tập và hướng dẫn cách chăm con nhưng chỉ ít buổi, chưa đủ.
Tuy nhiên, trong hơn 3 năm qua, kể từ khi triển khai kỹ thuật Kangaroo để giúp các gia đình có thêm kỹ năng chăm con và hỗ trợ nhiều nhất giai đoạn ban đầu sau rời khỏi phòng điều trị những người mẹ “đặc biệt” tại đây đã hỗ trợ các sản phụ chăm con một cách khéo léo hơn.
Theo đó, ở khu ấp các mẹ được tập huấn từ việc cho ăn, giữ ấm, xử trí khi sặc sữa, biết cách cho trẻ thở khi bị tím, biết cách theo dõi con. Bởi có trường hợp, trẻ được mẹ bế đến viện thì đã không thể cứu được cho dù nếu mẹ được tập huấn, đủ tự tin chăm con sẽ hoàn toàn xử trí cứu trẻ tại nhà.
Giờ đây Khoa là địa chỉ tin cậy chăm sóc và điều trị những em bé sinh non, cân nặng thấp và cực thấp, các em bé đều được da kề da với mẹ/bố/người thân trong gia đình liên tục 20 giờ. Đây là phương pháp chăm sóc trẻ đơn giản mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện sức khỏe và hình thành tâm lý tình cảm của trẻ non tháng.
Bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, thông qua phương pháp Kangaroo, trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ đẻ non sẽ nhận được lợi ích như hỗ trợ sự phát triển não bộ; thúc đẩy sự liên kết giữa mẹ và bé; cải thiện hơi thở; điều hòa thân nhiệt; giúp con bú dễ dàng hơn và tăng cường sữa mẹ; giúp trẻ ngủ ngon hơn. Đồng thời, kỹ thuật này cũng giúp trẻ giảm nhiễm trùng, giảm bệnh tật, giảm các biểu hiện tăng động, lo âu khi lớn.
“Khi ấp con, ngực mẹ như lồng ấp, bảo đảm cho con đủ nhiệt độ, tiếng tim đập của mẹ kết nối với con từ khi trong bụng mẹ, lắng nghe nhịp tim đập của mẹ, đứa trẻ cảm nhận được sức khỏe của mẹ có bình thường hay không trẻ sẽ yên tâm bởi không gì bù đắp được cho trẻ bằng người mẹ”, bác sỹ Hương kể.
Không chỉ em bé, sản phụ sau sinh cũng nhận được lợi ích to lớn sau khi da kề da với trẻ như ngăn trầm cảm sau sinh, giảm các bệnh lý liên quan; Sản phụ co hồi tử cung tốt, giảm mất máu; Sữa về sớm và nhiều, duy trì sữa mẹ.
Theo bác sỹ có 10 năm kinh nghiệm chăm sóc bé sinh non, tới đây, Khoa sẽ có những lớp đào tạo về kỹ năng kiến thức chăm con, xây dựng các video hướng dẫn cụ thể về 4 bài cơ bản trong ấp con để các bà mẹ có kỹ năng thành thạo chăm sóc trẻ sinh non tại nhà.